Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

VỀ TINH THẦN THIỆN SINH TRONG THƠ VĂN NGUYỄN CÔNG TRỨ




“Chủ nghĩa hiện sinh” theo tư cách một triết lí sống phổ biến hay một khuynh hướng tư tưởng, nghệ thuật, trên thực tế chỉ hình thành ở phương Tây trong thế kỉ XX, và xuất hiện tại miền Nam Việt Nam trong những thập niên 60, 70 của thế kỉ trước. Tuy nhiên, cũng như rất lâu trước khi A.Einstein đưa ra học thuyết của mình, Zénon đã nhìn thấy tính chất tương đối của thế giới bằng việc chứng minh rằng lực sĩ Achile không đuổi kịp một con rùa; chủ nghĩa phi lí xuất hiện vào thế kỉ XX, thì trước đấy hàng thế kỉ, người ta đã nhìn thấy tính chất trái khoáy của tồn tại. ở Việt Nam, tính chất này đã được phát hiện ít nhất bằng bài ca dao Ngồi buồn đốt một đống rơm… Thực tế đó cho phép chúng ta một niềm tin rằng, quan niệm hiện sinh hoàn toàn có thể xuất hiện trong đời sống, và trong văn chương của Nguyễn Công Trứ, thậm chí là xa hơn nữa, tại Việt Nam, theo tư cách là một nhận thức có tính chất bản năng của con người.


Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX, nhiều thế hệ người Việt Nam sống giữa một thực tại hết sức bấp bênh bởi những chấn động ghê gớm: ngoại bang xâm lược, chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn phong kiến trong nước, khởi nghĩa nông dân phổ biến, giặc cướp nổi lên như ong... Hệ quả của tình thế bi đát ấy là nỗi thất vọng về hiện thực, mặc cảm thân phận của mỗi cá thể trở nên sâu sắc. Càng về sau, bên cạnh văn chương cảm khái về thời cuộc đã xuất hiện thứ văn chương cảm khái về chính thân phận của mỗi cá nhân. ám ảnh này ngày một dày nặng thêm từ Nguyễn Dữ, qua Nguyễn Hữu Chỉnh, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du đến Nguyễn Công Trứ. Và cũng trong những ám ảnh ấy dần dà sẽ le lói ánh sáng của khát vọng, của đam mê hướng về phía cá thể. Dĩ nhiên, trong lúc bàn về những ngọn nguồn nuôi dưỡng khát vọng và mặc cảm cá nhân ấy, không thể không tính đến sự xuất hiện ngày càng nhiều các đô thị mới sau khi hình thành các khu vực cát cứ hay những mầm mống của kinh tế mua bán trong lòng nền sản xuất tự cấp tự túc, một chút những giá trị phương tây theo chân các giáo sĩ và thương nhân đầu tiên đặt chân đến Việt Nam nhằm tìm kiếm con chiên và thị trường.... Thời đại Nguyễn Công Trứ cũng là thời đại của nhiều nhân tài có ý thức sâu sắc về giá trị bản thân, họ sẵn sàng khoe tài, không ngại đưa ra những tuyên bố, tuyên ngôn đầy kiêu hãnh về sự hơn người, hơn đời của mình: Nguyễn Hữu Chỉnh, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Cao Bá Quát…, thậm chí, niềm kiêu hãnh ấy đã da diết từ người anh hùng thất thế Đặng Dung, cái ngất ngưởng bi đát cũng phần nào đã vang lên ở chính nhà thơ dũng tướng yêu nước tuyệt vọng này. Trong một thời đại mà ý thức con người vừa bản thân mình vừa dấy lên, đã phải nhuốm nỗi lo lắng bởi những cái chết, trong đó không chỉ ngàn vạn cái chết “không một tiếng vang” của binh lính, phu thợ, dân thường, mà còn là những cái chết đủ sức tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của những người nhạy cảm, như là cái chết Trương Quỳnh Như, Phạm Thái, Nguyễn Huệ… Đặc biệt với Nguyễn Công Trứ, ông hẳn rất đau xót và thậm chí hoang mang trước cái chết của ba người là đồng hương, hoặc đồng triều: Nguyễn Hữu Chỉnh - một con người có nhiều điểm giống Nguyễn Công Trứ: cũng tài hoa phong lưu, làm tướng thì đầy cơ mưu, thao lược, làm thi sĩ thì đằm thắm, thiết tha; rồi người đồng hương rất gần là Nguyễn Du chết không trăng trối ngay trong ngày Nguyễn Công Trứ lên đường vào kinh nhậm chức; vị quan đồng triều cao Bá Quát mà ông yêu mến cũng chết thảm trước nhà thơ có ba năm (ngoài Nguyễn Du và Cao Bá Quát là những người mà ông tất nhiên gần gũi (trong một ý nghĩa nào đó), tôi tin rằng Nguyễn Công Trứ đã biết và thậm chí có thể rất thích tipe người Nguyễn Hữu Chỉnh - trừ cái tiếng phản nghịch là thứ ông ghét cay ghét đắng). Bản thân Nguyễn Công Trứ, như chúng ta đã thấy, là một con người có tài và nhạy cảm, hẳn từ thuở tráng niên đã có những lo sợ trước những cái chết, và hăm hở với khát vọng mãnh liệt giải phóng những năng lực của mình. Thế nhưng con đường để thực hiện những ước nguyện chính đáng ấy thật ra lại hết sức muộn màng sau 41 năm làm người, sau những năm mòn mỏi chờ triều đình mở khoa thi, sau ba lần lều chõng. Nguyễn Công Trứ có thể đã có sự sốt ruột tất yếu bởi trước ông, mười tám đôi mươi đã không ít người trở thành ông Thám, ông Bảng, thậm chí ở một quá khứ xa, Nguyễn Hiền 13 tuổi đã là trạng nguyên. Nguyễn Công Trứ chắc chắn cũng đã buồn, buồn sâu sắc, cho nên trong bài Muộn thành đạt, ông đã viết: “Cảnh muộn đi về nghĩ cũng rầu/ Trông gương mà thẹn với hàm râu”. Nhưng là một người ý thức cũng rất sâu sắc giá trị của sự sống, của bản thân, nên ông không nản. Ông phải cố gắng để “làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”. Những tâm sự ấy, như vậy, đã không làm cho con người bướng bỉnh này nhụt chí, mà ngược lại, đã hun đúc ở ông lòng ham sống, cùng khát vọng thi thố tài năng trong cả dâng hiến và thụ hưởng.


Ngọn lửa của khát vọng hiện sinh, do vậy đã được thắp lên và duy trì một cách bền bỉ trong đời sống của Nguyễn Công Trứ(1), và ông đã cụ thể hóa được khát vọng đầy tính nhân văn ấy bằng một đời sống hết sức phong phú, để rồi khái quát trong Bài ca ngất ngưởng - một trong những tuyệt bút của mình. Có lẽ đây là bài thơ gói ghém được trọn vẹn nhất cuộc đời với những thành tích rạng rỡ trong đời sống, trong văn chương và cả những lạc thú của một Nguyễn Công Trứ đã thấu triệt về sự sống đích thực. Là người hiện sinh, Nguyễn Công Trứ luôn ý thức được tiêu chuẩn của sự tồn tại hiện thực. Dường như những khát vọng và công lao của ông không thể cắt nghĩa chỉ theo truyền thống đạo nghĩa phổ biến ở phương Đông… Mặc dù Nguyễn Công Trứ có, và thậm chí thường xuyên nhắc đến Trái, Nhạc, Hàn, Phú… nhắc đến đạo quân thần, nghĩa vua tôi v.v.. song cách nói ấy chỉ nhằm tới việc khẳng định những khát vọng hay công tích của mình, thậm chí ngay ở đấy ông có thể bộc lộ ngay một thái độ bỡn cợt “Hai vạn tám ngàn tư mặc kệ/ Không quân thần phụ tử đếch ra người”. Hơn nữa, một người cá tính như ông hẳn không muốn soi mình vào những tấm gương quá khứ, ông nhắc đến ai đó là để so sánh với bản thân trong niềm kiêu hãnh xác đáng. Trong thơ vịnh sử, ông nhắc đến nhân vật có lẽ chỉ như tìm đến một sự giao tiếp trên nguyên tắc của sự đồng cảm, sẻ chia, hoặc để phê phán. Còn việc triều đình và các vua Nguyễn cư xử với ông như thế nào, chắc chắn ông quan tâm, và con người như ông sẽ không kìm được lòng tự ái và thất vọng. Vì thế không thể cắt nghĩa cái vui vẻ, hăm hở của ông sau những lần thăng giáng, nhất là với những lần giáng chức thê thảm, thậm chí là cái án “trảm giam hậu” mà sau đó ông may mắn thoát, bằng cái nghĩa xa xỉ quân thần phụ tử, mà có lẽ nên lưu ý ở tinh thấn sống, tinh thần nỗ lực vượt lên khi đụng đầu với những trở lực của cuộc sống. Rất có thể một người như Nguyễn Công Trứ đã ý thức được rằng cái tài mà “trời đất ban cho” là một thứ công cụ của sự sống, bắt nguồn từ sự sống và tất nhiên phải bám vào sự sống, nếu không nó sẽ quay lại chống lại sự sống. Đấy chính là ý thức của cái tôi sâu xa trong ông, và trong mỗi con người. Nguyễn Công Trứ thuộc số những người nhiều giai thoại, điều này một lần nữa chứng minh cho đời sống hiện sinh của ông - một người có tinh thần sống ráo riết, lăn xả vào tận những khu vực trần trụi nhất của cuộc sống. Hơn nữa, những giai thoại về ông cũng là những sự kiện hết sức kì thú, nôm na như chính cuộc sống vậy.


Có thể những lẽ trên chính là yếu tố quan trọng nhất hình thành phong cách văn chương Nguyễn Công Trứ - một tinh thần ngạo nghễ xuất phát từ thứ văn hóa sống hết sức thực tế, một lòng ham sống đến ráo riết. Tất cả những điều đó là có biểu hiện cụ thể, xác thực, từ sự lựa chọn thể tài, đề tài đến cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh.


Yếu tố đầu tiên xác lập phong cách văn chương Nguyễn Công Trứ là việc lựa chọn ngôn ngữ như là sự hướng đến và nuôi dưỡng một tâm thức văn hóa. Trong sự tồn tại song song hai thứ ngôn ngữ Hán và Việt (được biểu hiện bằng hai loại kí tự là chữ Hán và chữ Nôm), cũng như những người có tinh thần dân tộc, và nhất là tinh thần vì con người (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương…), Nguyễn Công Trứ vượt qua thứ mặc cảm “nôm na mách qué” để lựa chọn chữ Nôm (2). Chắc rằng, tác giả không hề có một chút thành kiến nào đối với chữ Hán là thứ chữ đã bồi dưỡng, hun đúc, cất nhắc ông, mà Nguyễn Công Trứ đến với văn chương chữ Nôm bởi nó không có cái cầu kì tự thị của chữ Hán, mà ngược lại nó có khả năng lăn xả vào cuộc sống, tiện cho việc diễn tả, phơi trải những tình cảm chân thật, tươi tắn, bộc trực với mọi hỉ nộ ái ố. Nguyễn Công Trứ sử dụng thứ chữ này vừa như một phương tiện, vừa như một cứu cánh bởi. Chữ Nôm cho phép Nguyễn Công Trứ được cười đùa, được văng một cách hả hê những nỗi giận vào những đối tượng mà ông thấy cần phải văng. Và cũng chính xuất phát từ khát khao được giải phóng trữ năng của mình ở cuộc sống thực sự là sống ấy, Nguyễn Công Trứ dùng chữ Nôm có thể bởi ý đồ phổ biến thật sâu rộng, thật nhanh những tình cảm, tư tưởng của mình bởi cái bộc trực của chính từng con chữ. Một phía khác, khi sử dụng chữ Nôm, hình như Nguyễn Công Trứ muốn bóc dần vẻ khụng khiệng, những khuôn thước của văn chương để đem nó đến gần hơn với đời trong cảm hứng cảm hứng giải thiêng. Trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ, ca trù chiếm một khối lượng tương đối lớn, so với hệ thống trước tác của ông, của những người trước và sau ông nữa bởi thơ ca trù có một thế mạnh vượt trội so với lục bát và đường luật trong việc thể hiện một cách tươi mới cảm xúc của người viết bằng sự linh hoạt nhất định trong cú pháp, đặc biệt, rất tiện cho việc thể hiện những tình cảm phóng khoáng mạnh mẽ, ráo riết(3). Người ta cũng có thể thấy tinh thần hiện sinh ở Nguyễn Công Trứ ngay ở cách ông lựa chọn thể tài để những sáng tác của mình đi vào đời sống theo con đường ngắn nhất bằng việc đưa ngay ra ngâm, hát. Đó là văn chương của đời sống đích thực - một thứ đời sống tươi tắn. Thứ văn chương ấy, ở tính thời dụng, tính hiện sinh của nó, có thể coi như một thứ mì ăn liền. Có điều là Nguyễn Công Trứ lớn, văn chương ông lớn nên nó còn được truyền tụng mãi, nó không bị mai một sau những cuộc vui, những trận cười. Trong các cuộc chơi, thơ ấy phải kết hợp với nhạc, phách, phải có, nói chung là cầm kì thi tửu, và cả tiền nữa, là nơi con người có chỗ để giải phóng một lúc nhiều nguồn năng lực của mình. Một người nhiều năng lực sống xứng sống như Nguyễn Công Trứ hẳn nhiên là thích hợp với không gian ấy.


Có thể thấy hai đề tài nổi bật trong thơ văn Nguyễn Công Trứ là chí nam nhi và thú ăn chơi. ở mảng thứ nhất, có vẻ như Nguyễn Công Trứ vẫn bước trên đường ray tinh thần của những người đã đến với thơ ca trước ông, và nói chung, của những đạo lí được cụ thể hóa trong thi phú, sử kinh. Nguyễn Công Trứ cũng nuôi một giấc mộng “lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”, cũng đầy những khát vọng “Đem quách cả sở tồn làm sở dụng/ Trong lăng miếu ra tài lương đống/ Ngoài biên thùy rạch mũi can tương/ Sĩ làm cho bách thế lưu phương/ Trước là sĩ sau là khanh tướng” (Luận kẻ sĩ); cũng tự hào về những công lao, những đóng góp của mình trong những tác động hiệu quả đến thực tại và được thực tại ghi nhận: “Khi thủ khoa, khi tham tán, khi tổng đốc Đông/ Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng/ Lúc bình Tây, cờ đại tướng/ Có khi về phủ doãn Thừa Thiên” hay thậm chí tự ghi nhận chính mình: “Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phương Hàn, Phú” (Bài ca ngất ngưởng). Tuy nhiên, khát vọng lập thân của Nguyễn Công Trứ mặt khác xuất phát từ tinh thần coi trọng chất lượng cuộc sống. Có lẽ với ông, việc vua biết mặt, chúa biết tên, người đời ghi nhận không phải là cái đích đến mà chỉ có ý nghĩa như là một trong những căn cứ để tự đánh giá đời sống của mình. Vậy nên, khác với nhiều nhà thơ - kẻ sĩ khác, Nguyễn Công Trứ luôn luôn không chỉ nói chuyện khát vọng như một thứ lí thuyết, ông bao giờ cũng có cái nhìn cụ thể trong ý thức đối chiếu, soi chiếu bản thân với những tiêu chí, để rồi tự đánh giá lấy mình. Hoặc chúng ta cũng có thể thấy cái ý nghĩa hiện sinh trong chí khí của Nguyễn Công Trứ ở chỗ ông nói về chí khí ấy không chỉ để thể hiện nỗi thẹn thùng trong những công thức đã định. Nguyễn Công Trứ mỗi khi nói đến chí anh hùng đều bằng một giọng điệu hồ hởi, ngạo nghễ với những quyết tâm hừng hực, kiểu “quyết ra tay buồm lái với cuồng phong/ Chí những toan xẻ núi lấp sông” (Chí khí anh hùng). Những câu thơ của ông thoát khỏi cái vòng kim cô cảm khái, để được là những tuyên ngôn, thể hiện khí phách của một người hành động và khát khao hành động. Có một điều cần phải lưu ý nữa, đó là mặc dù nhắc nhiều đến chí khí anh hùng, khát vọng lập thân… nhưng Nguyễn Công Trứ nhiều khi tỏ ra không quá lệ thuộc, câu nệ vào sự đó, thậm chí, ông có thể coi đấy cũng là một nghề: “Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ/ Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh” (Chí khí anh hùng). Ông nhiều khi coi công danh như một cuộc chơi và tài năng chỉ như là một thứ phương tiện trong cuộc chơi đó, cho nên trong bài Chí nam nhi, ông viết: “Trong vũ trụ đã đành phận sự/ Phải có danh mà đối với núi sông/ Đi không chẳng lẽ về không!”; và trong một bài khác “Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi” (phần in nghiêng là nhấn mạnh của tác giả bài biết). Có thể thấy rằng, với tinh thần ấy, Nguyễn Công Trứ đã vượt qua được nhiều người thời ông, thậm chí sau đó nữa, và quan trọng hơn là ông đã bổ sung vào quan niệm truyền thống một ý nghĩa mới, một ý nghĩa hết sức hiện thực để tiến đến rất gần với con người hiện đại(4).


ở mảng đề tài thứ hai - thú ăn chơi - tinh thần hiện sinh trong văn chương Nguyễn Công Trứ thể hiện càng sâu sắc. Ngay một loạt tên tác phẩm cũng đã nói với chúng ta đều này. Nguyễn Công Trứ luôn có ý thức phô diễn ý chí sống của mình: sống thật lực, thật tâm, không quanh co, không che đậy. Thơ ông có rất nhiều bài ngay những đầu đề cũng đã đề cập thú ăn chơi: Thua bạc, Đánh tổ tôm, Cầm kì thi tửu (ba bài), Trong trần mấy mặt làng chơi, Chơi xuân kẻo hết xuân đi, Thích chí ngao du… Quả thực trong lịch sử văn học Việt Nam, cho đến thời hiện đại này, chưa dễ có mấy ai có một chuỗi những sáng tác về thú ăn chơi như thế. (Thực ra, thời của Nguyễn Công Trứ, rất nhiều nhà thơ, trong sáng tác của mình cũng có tác phẩm viết về thú ăn chơi, kể cả Tam nguyên Yên Đổ. Có điều, ngay cả Trần Tế Xương, sự ăn chơi dường như cũng là những biểu hiện đột hứng, và có thể đấy là sự chơi cho quên cái kiếp “Tế đổi thành cao mà chó thế”). Với Nguyễn Công Trứ, ông chơi với một tinh thần chơi đích thực, sự chơi ấy là một mạch quan trọng trong đời sống của nhà thơ. Ngay cả trong những tác phẩm bày tỏ ý chí, khát vọng anh hùng, Nguyễn Công Trứ cũng không quên đành những chữ, những dòng thơ thể hiện khát vọng được cống hiến trọn vẹn cho những thú chơi của chính mình. Nguyễn Công Trứ chơi, nhưng không phải là sự chơi ích kỉ, chỉ để thỏa mãn những ham muốn tầm thường. Sự chơi của ông thực sự đã trở nên một triết lí sâu sắc, mà điều này có thể trở nên lạ lẫm với những ai đó. Ông không chỉ chơi, mà ông còn mong muốn có những người khác tham gia cuộc chơi với ông. Ông chơi mọi nơi mọi lúc, kể cả trong những khi nước sôi lửa bỏng (5).


Tất cả những khát vọng được sống cho ra sống ấy đã giúp Nguyễn Công Trứ phát hiện cái hà khắc, nghiệt ngã của thời gian, thứ ám ảnh mà sau này “nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ mới” sẽ tiếp nhận và đẩy nó lên một trạng thái mãnh liệt hơn. Riêng điểm này, hình như Nguyễn Công Trứ đã tiến một bước rất xa so với những người cùng thời (6). Thơ ông có những khái quát đầy tính thực tiễn về thời gian: “Lần lữa tiết xuân dương có mấy/ Bóng quang âm chơi lấy kẻo già/ Trăm năm trong cõi người ta/ Xóc sổ tính ngày chơi được mấy” (Trong trần mấy mặt làng chơi); “Gẫm cho kĩ đến bất nhân là tạo vật/ Đã sinh người lại hạn mấy năm/ Kể chi thằng lên bảy đứa lên năm/ Dẫu ba vạn sáu ngàn ngày là mấy chốc” hay “Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác” (Chơi xuân kẻo hết xuân đi); “Trót sinh ra thời phải có chi chi/ Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu” (Chí nam nhi)… Đấy chỉ là một phần rất ít trong những câu thơ diễn tả sự ngắn ngủi của thời gian trong thơ Nguyễn Công Trứ.


Người ta thường lấy những biểu hiện sống vội vàng, sống cuống quýt làm một trong những tiêu chí nhận diện gương mặt thơ Xuân Diệu. Điều này đúng. Xuân Diệu, với tình thế của một cái tôi hoảng hốt trước tình thế bi đát của thực tại, dường như mọi tranh chấp với thời gian thường dồn vào với tình yêu. Nguyễn Công Trứ có điểm khác. Người đàn ông làng Uy Viễn này tranh chấp với thời gian ở mọi nơi, mọi lúc: trong khi thể hiện ý chí anh hùng, trong những cuộc hành lạc, và cả trong sự chiêm nghiệm thế giới, nhận thức cái đẹp. Có một lần Nguyễn Công Trứ cho thấy cái tinh tế độ lượng của mình khi ca ngợi vẻ đẹp của một cô đầu tuổi muộn: “Giăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết/ Hoa tàn song lại nhị còn tươi” (Bỡn cô đào già). Và có lẽ cũng chính trong cái cảm hứng đầy tính tranh chấp ấy, Nguyễn Công Trứ 73 tuổi còn kịp nạp thêm cho mình một nàng thiếp. Và nếu câu chuyện ông trả lời người thiếp này câu hỏi về tuổi tác, rằng “ngũ thập niên tiền nhị thập tam”, thì đấy quả là một ứng xử thông minh. Mà cái ứng xử thông minh ấy là kết quả của một nhận thức sâu sắc về tình trạng thực tại, ở chỗ, ông tự tin với cái bản lĩnh của chàng trai hai mươi ba trong tuổi tác thuộc hàng “xưa nay hiếm”.


Những cảm thức về thời gian đã thôi thúc Nguyễn Công Trứ, như ta biết, trở thành con người hành động, hoạt động trong mọi tình thế. Đến cả cái nhàn của Nguyễn Công Trứ cũng là một thứ nhàn hăng say và bận bịu trong chốn phong lưu, không còn là cái nhàn ở tùng cúc trúc mai, núi non vượn hạc. Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Công Trứ vì vậy không có cái thâm trầm của Nguyễn Khuyến, cái mượt mà của Nguyễn Du, cái gai góc sắc sảo của Hồ Xuân Hương, cái sổ toẹt, bi phẫn của Tú Xương mà ở đấy chỉ có sự hồn hậu, cái bộc trực nhiều khi đến bỗ bã. Thơ về thú ăn chơi của ông đầy những lãi (“cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy” - Chơi xuân kẻo hết xuân đi”), thành nợ (“Nợ nần gian díu mấy lâu nay” - Tự thuật), chác, đổi (“Đem ngàn vàng chác lấy cuộc cười” - Cầm kì thi tửu II; “Đem ngàn vàng mua lấy cuộc cười” - trong trần mấy mặt làng chơi; “Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác” - Chơi xuân kẻo hết xuân đi), tiêu (“Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu” - Chí nam nhi). Ông sẵn sàng văng tục, chửi đổng, sẵn sàng vứt ngoài cuộc chơi tư cách của một ông mũ cao áo dài, ông thủ khoa, ông thượng thư, hay ông đại tướng… để được vứt ra những “đù mẹ” “chém cha” khi cần thiết. Một cách khác để thể hiện con người hành động, thơ Nguyễn Công Trứ là thế giới của ngôn từ tạo ấn tượng, tạo cảm giác mạnh, cú pháp thường dồn dập đến riết róng. Tất cả những thứ đó tạo ra một giọng điệu sôi nổi, gấp gáp thể hiện một sự sống luôn luôn chuyển động.


Tôi không mấy tin vào những nhận định rằng Nguyễn Công Trứ là người lạc quan, yêu đời… Quả thật ông đã có thuở hàn vi, quả thật ông đã từng có những tác phẩm văn chương viết về cái nghèo, cái khổ, và trong đó có những chỗ rất tếu. Nhưng đấy là sự tếu của một người vì lòng ham sống mà chấp nhận thực tại, vì lòng ham sống mà cố gồng mình lên để cười. Hơn nữa, những cái cười của ông nhiều khi chua chát lắm. Việc ông hát, ông múa ở đâu đó trong cõi nhân sinh cũng không phải tại lòng yêu đời, mà tại lòng khao khát được giải phóng những năng lực của chính mình.
Nguyễn Công Trứ đã sống bằng sự lo âu đích thực trong một thời đại lo âu. Trách nhiệm làm chính mình khiến ông phải là con người luôn đắm đuối hành động trong cuộc đời cũng như trong văn chương. Con người hành động ấy luôn tìm thấy những giải pháp cho chính mình, trong những giới hạn, những thử thách nghẹt thở của tự do.

Nha Trang, tháng 9/ 2008
L.T. N

Chú thích:
(1) Thực ra tinh thần hiện sinh đã xuất hiện trong đời sống, và cả trong tư tưởng Việt Nam khá sớm. Có thể thấy điều này trong câu chuyện Từ Đạo Hạnh đầu thai để nhập thế; hoặc việc Tuệ trung thượng sĩ Trần Tung, một nhà tu hành đạo cao đức trọng thời Trần, ăn thịt và trả lời em gái mình là Nguyên Thánh công chúa khi bà thắc mắc: “phật là phật, anh là anh, anh không cần phải là phật, phật cũng chẳng cần phải là anh”, hay niềm hối tiếc thức tỉnh của Thúy Kiều: “Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”, v.v..


(2) Có lẽ bởi vẫn phần nào bị chi phối bởi cái nhìn có chút khinh thị với chữ Nôm, sự tôn sùng chữ Hán, hay một cách phô diễn tài năng của mình,… các nhà thơ khác, ngoài những tác phẩm chữ Nôm, vẫn có một lượng tác phẩm được viết bằng chữ Hán. Trong khi đó, Nguyễn Công Trứ, theo một số tài liệu đã công bố, thì chỉ có một bài, còn lại đều là thơ Nôm. (Xin xem: Vũ Ngọc Khánh: “Nguyễn Công Trứ: một cá nhân, một danh nhân văn hóa”, in trong Nguyễn Công trứ - con người, cuộc đời và thơ, Nxb. Hội nhà văn, H. 1996)


(3) Như Chu Mạnh Trinh với Hương Sơn phong cảnh ca, Nguyễn Khuyến với Anh giả điếc, Phan Bội Châu với Bài ca chúc tết thanh niên…


(4) Các ông Vũ Ngọc Khánh, Vương Trí Nhàn, Phạm Vĩnh Cư… đều đã xác nhận một số đặc điểm mang dấu hiệu hiện đại trong đời sống và văn thơ Nguyễn Công Trứ (Xin xem: Nguyễn Công trứ - con người, cuộc đời và thơ, sách đã dẫn)


(5) Tương truyền, bài Ghánh gạo đưa chồng được Nguyễn Công Trứ viết cho cô đầu hát ngay trong doanh trại nhằm động viên, khích lệ tướng sĩ trước khi lên Cao Bằng đánh dẹp khởi nghĩa Nông Văn Vân. Câu thơ “Chàng nên danh giá thiếp còn trẻ trung” ở gần cuối như dấu hiệu một cái ngoéo tay ý nhị của người vợ, cũng như ngầm ý một điều kiện để khuyến khích ông chồng đang chuẩn bị lên đường ra trận.


(6) Từ cổ cho đến Nguyễn Khuyến, thời gian trong thơ Việt vẫn chỉ dừng lại ở việc tạo ra một dấu mơ hồ, thường để kéo dài những khoảnh khắc tâm trạng hay nhằm thể hiện sự nuối tiếc hình ảnh của hiện thực đã qua, với Nguyễn Công Trứ, thời gian đã trở thành một đặc tính quan trọng của sự sống, liên quan trực tiếp đến đời sống con người trong tính cụ thể. Ông đã nhận ra sự nghiệt ngã của những giới hạn thời gian.


3 nhận xét:

  1. Lão Thanh Nga link sang blog của tớ đi nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Rất thik cách đặt vấn đề của tác giả: tinh thần hiện sinh có trước chủ nghĩa hiện sinh Phương Tây(tất nhiên, trong thời điểm xuất hiện đó, nó chưa thể lập thành hệ thống quan điểm với tư cách 1 "chủ nghĩa"). Hiểu theo nghĩa như vậy, rất nhiều tác phẩm văn chương(ko riêng ở Việt Nam) dù không được liệt vào dòng văn chương hiện sinh thì vẫn có thể chọn tinh thần hiện sinh như là 1 điểm xuất phát để khám phá tác phẩm.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa