Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

HUYỀN THOẠI HÓA - MỘT PHƯƠNG THỨC KHÁI QUÁT HIỆN THỰC CỦA FRANZ KAFKA


            1. Huyền thoại được xác định trong thuật ngữ phương Tây bằng từ gốc là Myth (trong cổ ngữ Hi Lạp là Muthos, tiếng Pháp: Mythe, tiếng Anh: Myth), với cách hiểu là câu chuyện về các vị thần, các cá nhân siêu việt, các anh hùng chiến trận và gắn liền với khuynh hướng ngợi ca. Ở Việt Nam, khái niệm "huyền thoại" vốn gắn liền với khái niệm "thần thoại", tức là những câu chuyện có tính chất thần kì (thần: thần kì; thoại: chuyện kể, câu chuyện). Từ điển văn học định nghĩa huyền thoại là "thể loại truyện ra đời sớm nhất trong lịch sử truyện kể dân gian các dân tộc. Đó là toàn bộ những truyện hoang đường tưởng tượng về các vị thần và những con người, những loài vật mang tính chất thần kì, siêu nhiên do con người thời nguyên thuỷ sáng tạo ra để phản ánh, lí giải các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội theo quan niệm "vạn vật có linh hồn" (hay thế giới quan thần linh) của họ."(1) Cách hiểu tương tự cũng được thể hiện trong Từ điển tiếng Việt, khi các nhà biên soạn khẳng định câu chuyện huyền thoại là "kì lạ, hoàn toàn do trí tưởng tượng".(2) Lại Nguyên Ân trong sách 150 thuật ngữ văn học có cách định nghĩa rộng rãi hơn khi cho rằng huyền thoại tồn tại "với tính cách là ý thức nguyên hợp của xã hội cổ đại" (3) và nó "không chỉ là thi ca, là sự hiểu biết (hoặc hiểu lầm) về thế giới tự nhiên và xã hội mà còn là nghi thức, nghi lễ sùng bái, thể hiện sự khuất phục của con người trước các sức mạnh khó hiểu, đầy tai hoạ của tự nhiên và xã hội"(4), Như vậy, về cơ bản, khái niệm huyền thoại theo nghĩa gốc nhằm chỉ một thể loại văn học, những câu chuyện gắn liền với tư duy nguyên hợp và quan niệm vạn vật hữu linh của người cổ đại, thể hiện những nhận thức ngây thơ của họ về các quy luật của tự nhiên và xã hội.

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

BÀI THƠ ĂN CỖ ĐẦU NGƯỜI, NIỀM CẢM KHÁI MÃNH LIỆT CỦA MỘT SỨ THẦN - TRÁNG SĨ


                                                                                                            

Về chuyến đi sứ đặc biệt của Nguyễn Biểu, sách Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam chép: “Năm 1413, niên hiệu Trùng Quang thứ năm, tướng Minh là Trương Phụ đánh vào Nghệ An, vua Trùng Quang lui vào Hóa Châu, sai ông đến trại của Phụ để điều đình. Để thử tinh thần ông, Phụ có thết cỗ đầu người. Nguyễn Biểu không hề run sợ, đàng hoàng ngồi ăn và nói: “người Nam ta mà được ăn đầu người Bắc a?” rồi làm một bài thơ về việc này. Sau đó, Phụ giữ ông lại. Ông giận mắng rằng: “Trong thì mưu kế đánh lấy nước người, ngoài thì phô trương là quân nhân nghĩa. Trước nói lập con cháu nhà Trần(1), nay lại chia đất làm quận huyện; không những cướp bóc của cải, lại còn tàn sát lương dân, thật là quân ngược tặc”. Phụ rất tức giận, sai trói ông vào chân cầu Lam để nước dâng lên dìm chết ông”(2).
Về bài thơ Ăn cỗ đầu người, hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam chú: “…cần lưu ý hai bài thơ này được Hoàng Xuân Hãn tìm thấy trong gia phả họ Hoàng - họ ngoại của Nguyễn Biểu ở Nghệ An, ghi chép từ thế kỉ XVI, nên về xuất xứ và văn bản còn phải tồn nghi. Dầu sao thì đây cũng là những vần thơ chất ngất tráng khí của một sứ thần yêu nước.(3) Như vậy, tồn nghi ở đây chỉ là về xuất xứ cụ thể chứ không phải là về tác giả. Và bất chấp hoàn cảnh ra đời như thế nào, bài thơ cũng thể hiện khí cốt của một vị sứ thần trong bước đường cùng của bản thân và thế nước. Nguyên văn tác phẩm như sau: