Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

ĐẶNG HỒNG THIỆP - GIÓ THƠ MUÔN LỐI


(Nhân đọc Gió cuốn, Nxb Văn học, H.2008)

Đặng Hồng Thiệp đến với làng thơ khá muộn, và trên mảnh đất nổi tiếng giàu truyền thống văn chương nghệ thuật, dĩ nhiên, trong đó có thơ. Không dễ gì mọc mũi sủi tăm ở một xứ thơ mà không ít người cho là “ra ngõ gặp anh hùng”, Đặng Hồng Thiệp đã tỏ ra “biết thân biết phận”, biết thể hiện khát khao khẳng định khi kiên nhẫn tìm cho mình một lối đi riêng. Chấp nhận khai mở một lối đi cho mình, nghĩa là đã tự đặt cược cả tương lai: được ăn cả, ngã về không. Trong cuộc chơi này, xem ra Đặng Hồng Thiệp đã có thành quả bởi tự quyết định được sinh mệnh thơ của chính mình, hoặc đại loại như thế. Sau hai tập đầu Ngoại ôThao thức miền quê, đến tập thứ ba, Hiện về, thơ Nghệ đã được chứng kiến một Đặng Hồng Thiệp mới mẻ, dễ chịu - một bút pháp tài hoa, một tư duy trữ tình phóng túng, thường nặng những lật trở với nỗi đời - vì thế, có cái khác lạ trong hệ bút pháp u buồn, mặn mòi và có phần gân guốc của mảnh đất khắc nghiệt với gió và cát. Tập thơ thứ mười ba của ông, Gió cuốn, gồm 44 bài, bài đầu tiên được viết từ năm 1961, nghĩa là trong 47 năm, là số ít được tuyển chọn, sắp xếp làm sao cho hệ thống, trong thi cảm của ông, vào tập. Đấy là cái lí đầu tiên để nhận ra ý thức vươn đến sự chuyên nghiệp của một người làm thơ, tức là một người ôm khát vọng vượt ra ngoài những giới hạn chật chội và tù mù của kiếp nhân sinh vạ vật. Tên tập thơ cũng thể hiện rất rõ điều này. Tôi nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Đề làm gì em có biết không/ Để gió cuốn đi”. Con người là thế, luôn luôn tiềm ẩn một giấc mơ phiêu du (không phải ngẫu nhiên mà trong thơ Đặng Hồng Thiệp, hai chữ “phiêu diêu” vẫn thường được sử dụng và tạo ấn tượng về một giấc mơ thanh thoát), hay một thái độ chấp nhận thả mình trong lốc xoáy của thế sự, để cảm nhận sâu hơn về nó, hoặc chí ít cũng là theo cơn gió để quên đi kiếp phận (chẳng phải đầu thế kỷ XX, M.Proust đi tìm thời gian đã mất, còn F.Kafka thì tìm đến giấc mơ biến dạng để tỏ thái độ phản ứng với kiếp sống bị hành chính hóa, máy móc hóa, đồ vật hóa đó thôi?)

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

LỤC BÁT NGUYỄN ĐĂNG VIỆT

LỤC BÁT NGUYỄN ĐĂNG VIỆT
Khi Nguyễn Đăng Việt theo đuổi lục bát, cũng có nghĩa là chính anh đã đưa mình vào thế khó. Song, Nguyễn Đăng Việt đã vượt qua cái khó mà tôi không dám tin rằng ai cũng vượt qua nổi. Thơ lục bát của anh, như tôi đã đọc, đã thấy, thực sự đã chạm đến được hồn cốt của thể loại, dường như nhà thơ xác định luôn rằng, nỗi đau lục bát ấy chính là những trở trăn của anh trong tập thơ này: những ưu tư nhẹ nhàng, da diết.
Tâm sự của Nguyễn Đăng Việt trong tập thơ, trong mỗi bài thơ thường là hành trình bắt đầu bằng một điều gì đó thật nhẹ, thật khiêm nhường, không đao to búa lớn, nhưng sau mỗi lần “bắt vận” (chữ dùng của anh trong Lục bát vần chờ), nó bí ẩn dắt dẫn người đọc chìm sâu hơn vào những tâm sự ngổn ngang. Có khi bắt đầu từ cái nắng Kim Liên, đưa người đọc đến cái nắng Ba đình, rồi vòng lại nỗi niềm đau khổ, chờ đợi của người Mẹ vĩ đại bên khung cửi, gợi nhắc những điều không thể nhắc (Sao nắng Kim Liên); hay từ ngày cha ốm để hình dung con đường đầy gập gềnh, trắc trở của cả một gia đình, một cộng đồng, một thời đại (Ngày cha ốm); từ “một tiếng cồng chiêng” để đắm đuối với cội nguồn dân tộc (Làng Đong); hay từ: “đỏ xanh”, “hạt gieo mùa”, từ: “như là có, như là không”… tất cả đều men theo cung bậc tăng dần vào sự xúc cảm mà nói những điều trăn trở theo trải nghiệm cá nhân tác giả, rồi khéo léo buộc người đọc phải giật mình rằng, đang bị anh kéo tuột vào trong những suy nghiệm cộng đồng. Ở mỗi bài thơ, mỗi câu thơ, dù là viết về cái gì, về mẹ, cha, về một người đàn bà làm dâu xa xứ, một cánh chim lạc tìm về tổ, một bức phong cảnh hay hoài niệm về một giá trị đã qua, chúng ta đều thấy tinh thần, hồn cốt làng xã trong thơ Nguyễn Đăng Việt, nghĩa là thấy chính chúng ta, bởi người Việt Nam, ai chả gánh một gánh làng xã theo mình? Đó là những gì Nguyễn Đăng Việt thừa hưởng trọn vẹn, thừa kế xuất sắc tinh thần của ca dao.

ĐI LỄ CHÙA, GẬP GHỀNH ĐƯỜNG ĐẾN BÌNH YÊN



             ĐI LỄ CHÙA
                                Dư Thị Hoàn

Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa
Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ

Người thứ nhất thở dài:
- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng!
Người thứ hai chép miệng:
- Vô phúc nhất người đàn bà không con!
Người thứ ba cười buông:
- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng!
Người thứ tư điềm đạm:
- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười nổi khi thấy con!
Người thứ năm:
- Mô phật!
Lão xà ích giật giây cương
Roi quất
Tung bụi đường

Theo cách nhìn giới tính: một nửa thế giới đã ngồi trên xe ngựa. Nửa thế giới - phép cộng của những ưu phiền, toan tính, lo âu và… phức tạp. Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa.
Họ đi lễ chùa! Để làm công việc mà khi nhắc đến là ta nghĩ ngay tới cái nửa mềm ấm kia của nhân loại. Họ đi tìm một chốn nương náu cho cõi tâm linh đầy ba động của chính mình, nhưng trên con đường ấy có bao giờ họ được phép bình yên. Bằng chứng là tay họ vẫn “khư khư” ôm đầy vật tế lễ (!). Một chi tiết cho thấy những tâm sự bất an đang rong ruổi trên con đường gập ghềnh, khúc khuỷu.
Tất cả có sáu người, nhưng lão xà ích không nói gì, bởi lão là đàn ông! Chỉ có năm người đàn bà nói, bốn người nói về nỗi bất hạnh của họ, câu chuyện xoay quanh chồng và con, những gì thân thiết, cật ruột nhất với họ từ trước đến nay.

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

GIÀN THIÊU CỦA VÕ THỊ HẢO


GIÀN THIÊU CỦA VÕ THỊ HẢO


Sau đổi mới, như một biểu hiện của nhu cầu nhận thức lại một số giá trị, sự tìm kiếm những ý nghĩa luôn có tính mở của các sự kiện, nhân vật lịch sử - văn hóa, cũng như tìm tòi một cách thức, phương thức khái quát hiện thực nhằm thoát khỏi mô hình phản ánh của chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX, không ít nhà văn nỗ lực tìm kiếm những nguồn nguyên liệu trong lịch sử nhằm qua đó bộc lộ cảm nhận, phán đoán của mình về cuộc sống. Các tác phẩm viết từ các cứ liệu dân gian và lịch sử ra đời với những Hòa Vang, Nguyễn Huy Thiệp, Lưu Sơn Minh… Giàn thiêu của Võ Thị Hảo xuất hiện khi được chuẩn bị một cách khá đầy đủ những tiền đề thẩm mĩ - xã hội, bằng các sáng tác của nhiều nhà văn khác. Lợi thế của Võ Thị Hảo là không còn phải đối diện (về cơ bản) với dư luận, với tâm lí tiếp nhận đầy thành kiến của một bộ phận người đọc thường quen việc chiều theo những quan niệm, cách nhìn nhận mọi vấn đề bằng một thiên kiến định sẵn. Tác giả Giàn thiêu có thể thỏa sức thăm dò trữ năng của chính mình và những nỗ lực của chị đã được ghi nhận khi cuốn tiểu thuyết này được nhận giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội mùa giải 2003 - 2004.