Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

ĐẶNG HỒNG THIỆP - GIÓ THƠ MUÔN LỐI


(Nhân đọc Gió cuốn, Nxb Văn học, H.2008)

Đặng Hồng Thiệp đến với làng thơ khá muộn, và trên mảnh đất nổi tiếng giàu truyền thống văn chương nghệ thuật, dĩ nhiên, trong đó có thơ. Không dễ gì mọc mũi sủi tăm ở một xứ thơ mà không ít người cho là “ra ngõ gặp anh hùng”, Đặng Hồng Thiệp đã tỏ ra “biết thân biết phận”, biết thể hiện khát khao khẳng định khi kiên nhẫn tìm cho mình một lối đi riêng. Chấp nhận khai mở một lối đi cho mình, nghĩa là đã tự đặt cược cả tương lai: được ăn cả, ngã về không. Trong cuộc chơi này, xem ra Đặng Hồng Thiệp đã có thành quả bởi tự quyết định được sinh mệnh thơ của chính mình, hoặc đại loại như thế. Sau hai tập đầu Ngoại ôThao thức miền quê, đến tập thứ ba, Hiện về, thơ Nghệ đã được chứng kiến một Đặng Hồng Thiệp mới mẻ, dễ chịu - một bút pháp tài hoa, một tư duy trữ tình phóng túng, thường nặng những lật trở với nỗi đời - vì thế, có cái khác lạ trong hệ bút pháp u buồn, mặn mòi và có phần gân guốc của mảnh đất khắc nghiệt với gió và cát. Tập thơ thứ mười ba của ông, Gió cuốn, gồm 44 bài, bài đầu tiên được viết từ năm 1961, nghĩa là trong 47 năm, là số ít được tuyển chọn, sắp xếp làm sao cho hệ thống, trong thi cảm của ông, vào tập. Đấy là cái lí đầu tiên để nhận ra ý thức vươn đến sự chuyên nghiệp của một người làm thơ, tức là một người ôm khát vọng vượt ra ngoài những giới hạn chật chội và tù mù của kiếp nhân sinh vạ vật. Tên tập thơ cũng thể hiện rất rõ điều này. Tôi nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Đề làm gì em có biết không/ Để gió cuốn đi”. Con người là thế, luôn luôn tiềm ẩn một giấc mơ phiêu du (không phải ngẫu nhiên mà trong thơ Đặng Hồng Thiệp, hai chữ “phiêu diêu” vẫn thường được sử dụng và tạo ấn tượng về một giấc mơ thanh thoát), hay một thái độ chấp nhận thả mình trong lốc xoáy của thế sự, để cảm nhận sâu hơn về nó, hoặc chí ít cũng là theo cơn gió để quên đi kiếp phận (chẳng phải đầu thế kỷ XX, M.Proust đi tìm thời gian đã mất, còn F.Kafka thì tìm đến giấc mơ biến dạng để tỏ thái độ phản ứng với kiếp sống bị hành chính hóa, máy móc hóa, đồ vật hóa đó thôi?)

"Gió cuốn" là một tên gọi đầy dụng ý. Trong tổng số 44 bài thơ, có ít nhất 28 lần chữ “gió” được nhắc lại, và mỗi lần xuất hiện, gió thường hiển lộ một trạng thái hay một khả năng khác lạ, điều này thể hiện một cái nhìn đa chiều, phức tạp của người làm thơ. Thành công lớn nhất của Đặng Hồng Thiệp là không quan sát hiện thực một cách thụ động mà tiếp nhận, chiếm lĩnh nó trong sự tri giác có tính ý hướng (nói theo tinh thần triết học hiện tượng học). Gió trong thơ ông có cái rối bời, có cái mơ màng, có cả nộ khí và hủy diệt, là hiện thực với trạng thái đầy biến động, sự đỏng đảnh của thế cuộc và nhân tâm. Ngoài ra, rất nhiều hình ảnh được nhắc đến trong đó cũng gợi một ý nghĩ sâu xa về gió: là bức tường, là con sóng, là mái tóc, là lá buồm... Theo cánh gió, Đặng Hồng Thiệp thả hồn, chính xác là đưa tư tưởng của mình đến những không gian địa lí khác nhau. Phải nói rằng nhà thơ xứ Nghệ này có cái may mắn do cương vị công tác mang lại, là được đi đây đi đó, có điều kiện để mở mang tầm nhìn và mở rộng hồn thơ. Nhưng điều kiện ấy chỉ cho thơ khi người trong cuộc dự sẵn có một trữ năng tinh thần để nắm bắt những khoảnh khắc đặc biệt của đời sống. Tôi nghĩ Đặng Hồng Thiệp đã rất chịu khó nghiền ngẫm hiện thực và rất có trách nhiệm với chính mình, với thơ khi đặt bút, tìm chữ. Ông đã mang đến cho độc giả, qua Gió cuốn, những hơi thở lạ từ những không gian xa xôi mà ông túm được trong những khoảnh khắc thăng hoa của sự cảm. Dù trong Cẩm Tú Viên hay dưới chùa vàng; ở cánh đồng Chum hay chỉ một cọng lúa quê nhà... Như những ngọn gió(*), mỗi vần tức cảnh của Đặng Hồng Thiệp không chỉ đơn giản như vết dao chém vào gốc cây đánh dấu hành trình, mà luôn bộc lộ một triết lý nhất định, về văn hóa, về chính trị, tôn giáo... hay là một trạng thái của hiện hữu. Những câu trong bài Người mẹ Lào:
Ngừng chiến, con về, trời rưng mưa
Mẹ Lào rưng khóc phút tiễn đưa
Cỏ xanh Đồng Chum còn xanh mãi
Con về mang nỗi nhớ vô bờ.

thoạt đọc tưởng chỉ là những vần thơ ghi lại giây phút xúc động nên thơ của một tình mẹ con - đồng chí trước phút biệt li. Nhưng đọc kĩ, dường như không phải thế. Câu thơ “Cỏ xanh Đồng Chum còn xanh mãi” với chữ “xanh” điệp lại, ẩn dấu triết lí về khoảng cách vô hình mà có thật, và nghiệt ngã của nguyên tắc cộng đồng. Triết lí này sẽ được ông phát triển trong nhiều bài thơ sau, Bức tường chẳng hạn: “Bức tường xưa chỉ còn trong kí ức/ Giữa trời xanh mây trắng bay/ Hãy tan đi mọi bức tường thù hận/ Cho những đồng hoa ngập bước chân người”. Bài thơ viết ở Cộng hoà Liên bang Đức, sau khi bức tường ngăn giữa hai miền được dỡ bỏ. Phút hưng phấn của nhà thơ vừa dấy lên với niềm vui cụ thể trước mắt chợt tan biến khi nhận ra rằng bức tường bằng vôi gạch kia có là gì so với bức tường ngăn cách lòng người; bức tường giữa chúng ta, hay bức tường trong chính chúng ta, xé lẻ chúng ta ra, hôm qua và hôm nay, bây giờ và một thời khắc bất kì khác. Hai câu thơ sau khắc khoải một khát vọng về sự hướng thiện.
Có ý kiến cho rằng thơ Đặng Hồng Thiệp kén độc giả, điều này có lẽ đúng, vì thơ ông không mấy khi chọn cách thể hiện tình cảm theo cách thường gặp trong truyền thống, kiểu thơ có không ít người đánh giá một cách tếu táo có phần cực đoan là “ngòn ngọt, đèm đẹp”. Tuy nhiên thơ Đặng Hồng Thiệp cũng không phải thứ thơ trúc trắc, gập ghềnh mà nhiều người phàn nàn hay la ó. Thơ ông vẫn chú trọng vần điệu, và do đó, giàu nhạc tính. Song phía dưới cái vẻ nhu thuận ấy là những tâm sự chát chúa, đau khổ của một thứ tư duy thơ có tính hiện đại. Gió cuốn là một ẩn dụ lớn về cuộc sống bằng hệ thống những ẩn dụ trên từng bài cụ thể. Văn bút tháp chẳng hạn, không chỉ là miêu tả tư thế của một hiện vật văn hóa, mà điều quan trọng là khơi dậy ở người đọc những cảm thức văn hóa sâu xa, hơn thế là những trở trăn, suy nghiệm trước sự bé nhỏ, hữu hạn của loài người trên hành trình tìm kiếm, xây đắp những giá trị, trong sự đối lập với thiên nhiên không đáy: “Văn bút tháp ngời/ Viết vào vô tận”. Ở bài Thiên Đàn, tác giả khéo léo đặt “Tử Cấm thành quyền uy khắc khoải” bên cạnh “Di Hoà viên xôn xao lá gọi” để nhìn thấy rõ hơn nỗi bé mọn của kiếp người, dù là sang quý tột bậc, đối lập với sự khoáng đạt, tươi mới, rạng rỡ của thiên nhiên, trên cơ sở đó thể hiện khát khao được hưởng thụ một cuộc sống thanh thản, khước từ mọi đau khổ và mưu tính trong những cuộc tranh chấp nghiệt ngã của thế tục. Có lẽ cũng từ đây mà những câu thơ ông viết về Lí Bạch là những câu thơ hào sảng nhất tập, trong sự sẻ chia chân thành. Trong những ẩn dụ ấy, một mảng không thể không lưu ý đến là cách thể hiện tế nhị những triết lí về lẽ sinh tồn. Dường như Đặng Hồng Thiệp vẫn thường nhìn thấy những nghịch lí, những mâu thuẫn và bi kịch, những cuộc tìm kiếm giá trị trên hành trình khắc khoải của nhân loại tiến về phía trước: nghịch lí giữa hiện thực và lí tưởng, giữa niềm tin và sự đáp lại niềm tin (Ba-rức, Nàng tiên cá), nghịch lí giữa văn hóa và kinh tế, tôn giáo và chính trị (Páttaya), nghịch lí giữa thân phận cá nhân với xu thế của sự phát triển (Đầy vơi, Mảnh trời), nghịch lí của thực tiễn và tư duy, nhận thức và hành động (Mùa xanh, Yên Tử). Chính bởi điều này mà thơ ông thường thể hiện một nỗi nghi ngờ nào đó về hiện thực, mà đúng thôi, hiện thực bao giờ cũng bấp bênh, nếu anh chấp nhận rằng nó chỉ thực sự có ý nghĩa trên cơ sở sự cảm thấy của một con người trong một ý đồ cụ thế. Tô-ki-ô vẽ lại một cách khái quát phần quan trọng của lịch sử đất nước mặt trời mọc với những đau khổ đã gieo và vinh quang đã gặt, nhưng câu cuối bất ngờ gợi một điều gì đó thật mong manh hoang trống: “Làn gió Đông Tây hòa quyện/ Mặt trời đỏ cánh chim xanh”... Có hai điều trăn trở thật rõ của Đặng Hồng Thiệp trong Gió cuốn, đó là về kiếp người và liên quan đến kiếp người là những bi kịch hướng thiện. Nhà thơ đặc biệt day dứt trước những kiếp phận bé mọn, như nỗi bất hạnh của những người lao động hi vọng đổi đời, tìm đến những “miền đất hứa”, nhưng mọi hứa hẹn trở nên lỡ làng để rồi “Ngày máy xoay rũ rượi/ Đêm chật ních hơi người/ Bạc lẻ vo tròn nắng/ Miền đất hứa đầy vơi” (Đầy vơi); hay sự mỏi mòn của những miền quê lam lũ... Nhân đây cũng xin nói thêm rằng thơ Đặng Hồng Thiệp giàu tính thời sự, nhưng bởi nó vượt ra ngoài khuôn khổ sự kiện, để hướng đến vấn đề cho nên luôn giàu chất suy tưởng, phảng phất ý vị triết học nhân sinh. Bài thơ Yên Tử ghi lại phong cảnh và tâm trạng của nhà thơ khi cuốn theo cơn gió của suy tư Phật triết, nhưng ngay trong những giây phút mơ màng ấy, nhà thơ vẫn nhận ra “Tùng xanh chọc trời tít tắp/ Rừng trúc em nhỏ mải tìm”. Ở đấy có ít nhất ba thực tế để suy ngẫm: một, trong lúc một bộ phận nhân loại đã thừa sung sướng, đến chán chường cõi thế, cố gắng tìm đến một nơi cực lạc, thoát khỏi những đau khổ trong cõi tham, sân, si thì có những số phận bé bỏng vẫn phải kiếm tìm sự sống từ những củ măng chát xót; hai, trên hành trình kiếm tìm cõi vô khổ vô nạn ấy, có khi người ta đã phớt lờ trước những kiếp nạn đầy rẫy chốn trần gian (ở đây Đặng Hồng Thiệp có sự gặp gỡ tư tưởng với Lưu Sơn Minh trong truyện Nước mắt trúc); và ba: loay hoay kiếm tìm, loay hoay trong cuộc đào tẩu, vượt thoát, loài người ngần ấy thời gian vẫn không vượt qua nổi tuổi thơ của chính mình, sự hướng thiện chính là trở về với thời ấu thơ lương thiện ấy. Những câu thơ như thế này không hiếm gặp trong thi phẩm của Đặng Hồng Thiệp nói chung và trong Gió cuốn nói riêng. Cũng dễ dàng để nhận thấy rằng thơ Đặng Hồng Thiệp không chỉ có chỗ tài hoa ở nỗ lực tạo sự đa tầng, đa nghĩa, ở sự phong phú trên những chiều liên tưởng, mà còn thể hiện có lúc ở chỗ vón cả niềm day dứt, mở ra cả một tiềm thức văn hóa có khi chỉ trong một câu, dẫu đau xót, kiểu “Đà thôi bầu rượu nhâm nhi tì bà” (Huế ơi), ở sự sắp chữ đắc địa gợi tinh tế một trạng thái của sự vật kiểu “Tràng Tiền mấy nhịp trên đầu nắng đi” (Huế ơi), “Ai đang về lối gió trong tay” (Bồng bềnh)... Đặng Hồng Thiệp nhả chữ một cách bâng quơ đầy dụng ý, do vậy làm nên cái cá tính khó lẫn: không thể đọc, bình thơ ông theo logic thông dụng của câu chữ, mà phải tìm phía dưới những cập kênh, ngẫu hứng của chữ nghĩa kia tính hợp lý của suy tưởng. Hình như đấy mới chính là phẩm chất cần thiết của thơ, nhất là thơ hiện đại. Chính đặc điểm này kết hợp với sự giàu có nhạc tính làm nên vẻ đẹp kết hợp cổ điển và hiện đại trong thi pháp của Gió cuốn.
Đặng Hồng Thiệp có một tân hồn rộng mở - thơ ông nói vậy - nên luôn luôn trở trăn, day dứt trước hiện thực ngổn ngang. Và những trăn trở, day dứt ấy không khiến nhà thơ trở nên quá bi quan như tâm trạng thường gặp trong nhiều tác phẩm, ở nhiều tác giả khác. Chính vì thế, ở hầu hết tác phẩm của ông, thế giới vẫn thường rạng rỡ với không gian tràn ngập ánh sáng, tràn ngập nắng. Và rõ ràng, tư tưởng, tình cảm của tác giả luôn vươn về phía sáng. Thơ ông thường có kết cấu mở, dễ tạo ra những kênh khác nhau cho sự tiếp nhận. Trong lối kết cấu mở ngỏ ấy, hứa hẹn những tầng vỉa mới. Và Gió cuốn là tập thơ hội đủ những phẩm chất ấy.
Thanh Chương, những ngày trong bệnh viện

(*) Mượn tên tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp