Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

ĐA DẠNG HOÁ CÁC PHƯƠNG THỨC KHÁI QUÁT HIỆN THỰC - MỘT BIỂU HIỆN ĐỔI MỚI TƯ DUY TỰ SỰ CỦA VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU 1975 (qua tiểu thuyết và truyện ngắn)


Ý thức và tư duy tự sự, thực ra đã có mặt trong đời sống nói chung và trong văn học nói riêng của người Việt, mà biểu hiện sớm nhất trong văn học có lẽ là những câu chuyện thần thoại, vừa như là một thể loại văn học, vừa phản ánh một mô thức tư duy, quan niệm về thế giới. Điều đó có nghĩa là cho đến ngày nay, tự sự đã tồn tại một thời gian tương đối dài trong đời sống dân tộc. Tuy nhiên, độ dài của thời gian ở đây không đồng nghĩa với sự phát triển về chất của tư duy tự sự.
            1. Hình như, ngoại trừ những năm tháng sôi động của giai đoạn nửa đầu của thế kỉ XX, tính đến trước những năm 1975, thậm chí là 1986, văn học Việt Nam thực sự ít có dấu hiệu của những cuộc tìm kiếm những con đường mới để chứng minh cho những khát vọng đổi mới văn học, trong đó có cả đổi mới tư duy tự sự. Hẳn nhiên, ở đây không thể phủ nhận những biến động lớn lao trong tư duy tự sự bằng cú nhảy của Truyện Kiều như một đỉnh cao, vượt lên các tác phẩm khác trước đó và cùng thời ở một số phương diện, nhưng về cơ bản vẫn nằm trong phạm trù văn học trung đại với một mô thức chung, mà biểu hiện dễ nhận ra nhất là motyf cốt truyện. Trong giai đoạn sôi động đầu thế kỉ XX, đã có những biểu hiện ráo riết đòi đổi mới tự sự, nhưng những khát vọng ấy đã phải tạm gác lại để văn học thực hiện nghĩa vụ cao cả hơn: Độc lập Dân tộc và tự do của con người. Có thể chăng, trong giai đoạn này, Nam Cao vẫn là nhà văn thu được nhiều thành công nhất về mặt này, nếu xem xét một cách toàn diện và tỉ mỉ những biểu hiện nghệ thuật trong tiểu thuyết và truyện ngắn của ông.(1)