Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

LỤC BÁT NGUYỄN ĐĂNG VIỆT

LỤC BÁT NGUYỄN ĐĂNG VIỆT
Khi Nguyễn Đăng Việt theo đuổi lục bát, cũng có nghĩa là chính anh đã đưa mình vào thế khó. Song, Nguyễn Đăng Việt đã vượt qua cái khó mà tôi không dám tin rằng ai cũng vượt qua nổi. Thơ lục bát của anh, như tôi đã đọc, đã thấy, thực sự đã chạm đến được hồn cốt của thể loại, dường như nhà thơ xác định luôn rằng, nỗi đau lục bát ấy chính là những trở trăn của anh trong tập thơ này: những ưu tư nhẹ nhàng, da diết.
Tâm sự của Nguyễn Đăng Việt trong tập thơ, trong mỗi bài thơ thường là hành trình bắt đầu bằng một điều gì đó thật nhẹ, thật khiêm nhường, không đao to búa lớn, nhưng sau mỗi lần “bắt vận” (chữ dùng của anh trong Lục bát vần chờ), nó bí ẩn dắt dẫn người đọc chìm sâu hơn vào những tâm sự ngổn ngang. Có khi bắt đầu từ cái nắng Kim Liên, đưa người đọc đến cái nắng Ba đình, rồi vòng lại nỗi niềm đau khổ, chờ đợi của người Mẹ vĩ đại bên khung cửi, gợi nhắc những điều không thể nhắc (Sao nắng Kim Liên); hay từ ngày cha ốm để hình dung con đường đầy gập gềnh, trắc trở của cả một gia đình, một cộng đồng, một thời đại (Ngày cha ốm); từ “một tiếng cồng chiêng” để đắm đuối với cội nguồn dân tộc (Làng Đong); hay từ: “đỏ xanh”, “hạt gieo mùa”, từ: “như là có, như là không”… tất cả đều men theo cung bậc tăng dần vào sự xúc cảm mà nói những điều trăn trở theo trải nghiệm cá nhân tác giả, rồi khéo léo buộc người đọc phải giật mình rằng, đang bị anh kéo tuột vào trong những suy nghiệm cộng đồng. Ở mỗi bài thơ, mỗi câu thơ, dù là viết về cái gì, về mẹ, cha, về một người đàn bà làm dâu xa xứ, một cánh chim lạc tìm về tổ, một bức phong cảnh hay hoài niệm về một giá trị đã qua, chúng ta đều thấy tinh thần, hồn cốt làng xã trong thơ Nguyễn Đăng Việt, nghĩa là thấy chính chúng ta, bởi người Việt Nam, ai chả gánh một gánh làng xã theo mình? Đó là những gì Nguyễn Đăng Việt thừa hưởng trọn vẹn, thừa kế xuất sắc tinh thần của ca dao.

ĐI LỄ CHÙA, GẬP GHỀNH ĐƯỜNG ĐẾN BÌNH YÊN



             ĐI LỄ CHÙA
                                Dư Thị Hoàn

Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa
Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ

Người thứ nhất thở dài:
- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng!
Người thứ hai chép miệng:
- Vô phúc nhất người đàn bà không con!
Người thứ ba cười buông:
- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng!
Người thứ tư điềm đạm:
- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười nổi khi thấy con!
Người thứ năm:
- Mô phật!
Lão xà ích giật giây cương
Roi quất
Tung bụi đường

Theo cách nhìn giới tính: một nửa thế giới đã ngồi trên xe ngựa. Nửa thế giới - phép cộng của những ưu phiền, toan tính, lo âu và… phức tạp. Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa.
Họ đi lễ chùa! Để làm công việc mà khi nhắc đến là ta nghĩ ngay tới cái nửa mềm ấm kia của nhân loại. Họ đi tìm một chốn nương náu cho cõi tâm linh đầy ba động của chính mình, nhưng trên con đường ấy có bao giờ họ được phép bình yên. Bằng chứng là tay họ vẫn “khư khư” ôm đầy vật tế lễ (!). Một chi tiết cho thấy những tâm sự bất an đang rong ruổi trên con đường gập ghềnh, khúc khuỷu.
Tất cả có sáu người, nhưng lão xà ích không nói gì, bởi lão là đàn ông! Chỉ có năm người đàn bà nói, bốn người nói về nỗi bất hạnh của họ, câu chuyện xoay quanh chồng và con, những gì thân thiết, cật ruột nhất với họ từ trước đến nay.