Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

ĐI LỄ CHÙA, GẬP GHỀNH ĐƯỜNG ĐẾN BÌNH YÊN



             ĐI LỄ CHÙA
                                Dư Thị Hoàn

Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa
Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ

Người thứ nhất thở dài:
- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng!
Người thứ hai chép miệng:
- Vô phúc nhất người đàn bà không con!
Người thứ ba cười buông:
- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng!
Người thứ tư điềm đạm:
- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười nổi khi thấy con!
Người thứ năm:
- Mô phật!
Lão xà ích giật giây cương
Roi quất
Tung bụi đường

Theo cách nhìn giới tính: một nửa thế giới đã ngồi trên xe ngựa. Nửa thế giới - phép cộng của những ưu phiền, toan tính, lo âu và… phức tạp. Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa.
Họ đi lễ chùa! Để làm công việc mà khi nhắc đến là ta nghĩ ngay tới cái nửa mềm ấm kia của nhân loại. Họ đi tìm một chốn nương náu cho cõi tâm linh đầy ba động của chính mình, nhưng trên con đường ấy có bao giờ họ được phép bình yên. Bằng chứng là tay họ vẫn “khư khư” ôm đầy vật tế lễ (!). Một chi tiết cho thấy những tâm sự bất an đang rong ruổi trên con đường gập ghềnh, khúc khuỷu.
Tất cả có sáu người, nhưng lão xà ích không nói gì, bởi lão là đàn ông! Chỉ có năm người đàn bà nói, bốn người nói về nỗi bất hạnh của họ, câu chuyện xoay quanh chồng và con, những gì thân thiết, cật ruột nhất với họ từ trước đến nay.

Cả bốn người đều nói về nỗi cô đơn: người thứ nhất nói về sự không chồng vơi ý nghĩ: tội nghiệp; người thứ hai nói về nỗi không con với ý nghĩ: vô phúc, người thứ ba nói về nỗi không khóc nổi trước mặt chồng với ý nghĩ: bất hạnh, người thứ tư nõi về nỗi không cười nổi khi thấy con với ý nghĩ: tuyệt vọng. Tất cả nói về một chủ đề, nhưng dường như không ai nói với ai, vì thế họ sừng sững bốn khối cô đơn!
Người thứ nhất và người thứ hai nói về sự không có chỗ sẻ chia, an ủi; người thứ ba và người thứ tư nói về sự có chỗ để sẻ chia, an ủi nhưng không thể an ủi, sẻ chia. Nỗi cô đơn, đau xót tăng dần từ “tội nghiệp” ở người thứ nhất đến “tuyệt vọng” ở người thứ tư. Nhưng kì lạ là sự biểu hiện trên gương mặt họ thì ngược lại, cứ nhạt dần từ “thở dài” qua “chép miệng” đến “cười buông” và cuối cùng là “điềm đạm”. Phải chăng theo trình tự này sự từng trải và chịu đựng của những người đàn bà cũng tăng dần. Chân dung của họ lần lượt già đi. Ngôn ngữ dẫn chuyện gồm 20 âm tiết chia đều cho cả bốn người đàn bà, nhưng ngôn ngữ của chính họ thì cứ dãn dần ra: người thứ nhất và thứ hai: 8/1; người thứ ba và thứ tư: 12/1. Điều này đồng nghĩa với việc vốn sống và sự từng trải của họ cứ nhiều thêm, dày lên một cách tội nghiệp. Bởi thế, gương mặt của tuổi hiện rõ mồn một trong văn bản thơ. Những người đàn bà cứ quắt queo, tàn lụi dần đi. Mặt khác, sự kéo dài của ngôn ngữ nhân vật cũng là một cách tạo cảm giác về cái đằng đẵng của con đường tìm đến bình yên.
Ấy bởi con đường còn xa lắm, cho nên người thứ năm, có lẽ già nhất trong số họ, không nói nhiều,chỉ buông hai chữ “Mô phật”. Hẳn người ấy đã trải qua và trải nhiều hơn những điều bốn người kia nói; đã từng có và có nhiều hơn cả cái thở dài, cái chép miệng, cái cười buông, cái điềm đạm… Cho nên tất cả không biểu hiện ra ngoài, tất cả đều trốn biệt trong hai chữ “Mô Phật” khó tả kia - một cách thừa nhận sự mỏi mệt hay cam chịu.
Năm người đàn bà ngồi trên xe ngựa, đó là những chuyến đời vất vả đi tìm nơi giải thoát tâm hồn. Năm người thay nhau nói, duy lão xà ích không nói gì. Lão chăm chăm vào con đường phía trước. Xin nhớ: không phải gã, không phải bác, mà là lão xà ích. Chữ “lão” gợi ta nghĩ đến một gương mặt chi chít nếp nhăn, một mái đầu bạc trắng của bao nỗi truân chuyên trên con đường thiên lí. Lão đã nhìn, đã nghe đến nhàm những câu chuyện của năm người đàn bà kia, nhiều như số lần chuyến xe trong đời của lão, và sốt ruột, hay không chịu nổi chuyện, lão bỗng giật giây cương, quất roi. Hai động từ rất mạnh, “giật” và “quất”, như phá ngang cuộc chuyện trò hoặc độc thoại cùng nhau của năm người kia. Con ngựa đột nhiên rồ bước, xe lao bắn để lại những bụi đường quánh đặc. Hai câu cuối bất ngờ ngắn lại, con đường hẹp bất ngờ và vì thế càng thêm hun hút.
Đi lễ chùa là bài thơ không vần, độ hoà âm kém trên bề mặt ngôn từ. Đi lễ chùa là một bản nhạc dữ dội của những tấm lòng, những tình cảm đầy biến động, đập va trong những gập ghềnh của nhịp.
Vinh, 2001