Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

LỤC BÁT NGUYỄN ĐĂNG VIỆT

LỤC BÁT NGUYỄN ĐĂNG VIỆT
Khi Nguyễn Đăng Việt theo đuổi lục bát, cũng có nghĩa là chính anh đã đưa mình vào thế khó. Song, Nguyễn Đăng Việt đã vượt qua cái khó mà tôi không dám tin rằng ai cũng vượt qua nổi. Thơ lục bát của anh, như tôi đã đọc, đã thấy, thực sự đã chạm đến được hồn cốt của thể loại, dường như nhà thơ xác định luôn rằng, nỗi đau lục bát ấy chính là những trở trăn của anh trong tập thơ này: những ưu tư nhẹ nhàng, da diết.
Tâm sự của Nguyễn Đăng Việt trong tập thơ, trong mỗi bài thơ thường là hành trình bắt đầu bằng một điều gì đó thật nhẹ, thật khiêm nhường, không đao to búa lớn, nhưng sau mỗi lần “bắt vận” (chữ dùng của anh trong Lục bát vần chờ), nó bí ẩn dắt dẫn người đọc chìm sâu hơn vào những tâm sự ngổn ngang. Có khi bắt đầu từ cái nắng Kim Liên, đưa người đọc đến cái nắng Ba đình, rồi vòng lại nỗi niềm đau khổ, chờ đợi của người Mẹ vĩ đại bên khung cửi, gợi nhắc những điều không thể nhắc (Sao nắng Kim Liên); hay từ ngày cha ốm để hình dung con đường đầy gập gềnh, trắc trở của cả một gia đình, một cộng đồng, một thời đại (Ngày cha ốm); từ “một tiếng cồng chiêng” để đắm đuối với cội nguồn dân tộc (Làng Đong); hay từ: “đỏ xanh”, “hạt gieo mùa”, từ: “như là có, như là không”… tất cả đều men theo cung bậc tăng dần vào sự xúc cảm mà nói những điều trăn trở theo trải nghiệm cá nhân tác giả, rồi khéo léo buộc người đọc phải giật mình rằng, đang bị anh kéo tuột vào trong những suy nghiệm cộng đồng. Ở mỗi bài thơ, mỗi câu thơ, dù là viết về cái gì, về mẹ, cha, về một người đàn bà làm dâu xa xứ, một cánh chim lạc tìm về tổ, một bức phong cảnh hay hoài niệm về một giá trị đã qua, chúng ta đều thấy tinh thần, hồn cốt làng xã trong thơ Nguyễn Đăng Việt, nghĩa là thấy chính chúng ta, bởi người Việt Nam, ai chả gánh một gánh làng xã theo mình? Đó là những gì Nguyễn Đăng Việt thừa hưởng trọn vẹn, thừa kế xuất sắc tinh thần của ca dao.

Nhưng không chỉ có điều đó làm nên vẻ đẹp trong thơ lục bát Nguyễn Đăng Việt. Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nguyễn Đăng Việt biết phát huy thế mạnh của nghề nghiệp. Thơ anh luôn luôn lấp lánh vẻ đẹp của sắc màu, của hình khối, đường nét. Những bài thơ đề ảnh như Sao nắng Kim Liên thì hiển nhiên đã lấp lánh sắc màu, vì nó gắn chặt với một khung cảnh, một hiện thực cụ thể. Thế nhưng, trong nhiều bài thơ khác của anh, chúng ta vẫn thấy cái đẹp lung linh của sắc màu. Thứ sắc màu hiện lên không ngẫu nhiên, mà quyện chặt vào nhau, một mặt thể hiện cái nhạy cảm của một người biết rung động, biết thụ hưởng thứ ánh sáng diệu kì mà thiên nhiên ban tặng; mặt khác thể hiện cách nhìn của tác giả về thế giới vừa luôn luôn biến ảo, khó nắm bắt, luôn chơi trò ú tim của con tắc kè hoa, lại vừa sinh sôi, vần vụ, đòi hỏi con người phải căng hết mọi giác quan để mà chiếm lĩnh, để chủ động đối phó và tồn tại. Đó là “Vàng gieo thiền sắc mây sầu/ Xanh vô tư lắng nỗi đau sóng triều”; là “Đỏ xanh một giọt giao mùa”; là “Lời chiều tím núi non xa”; là “Gươm hồ trả tím trăng thâu”. Đọc thơ lục bát Nguyễn Đăng Việt, người đọc dễ chìm trong cái hứng thú được đuổi theo (một cách khó khăn), tiếp cận những hình khối, đường nét, có khi là được miêu tả một cách kĩ càng, chi tiết, có khi chỉ là một chút chấm phá. Thật khó mà theo được, nắm bắt được cái hình dáng của cô gái hội làng “Bước cao bước thấp bồng bềnh càng yêu/ Bóng anh nghiêng đổ theo chiều/ Dáng em gái múa liêu xiêu hội làng”. Nguyễn Đăng Việt dường như đang lia ống kính theo chiều cô gái múa, và sử dụng siêu giác quan để cảm nhận những khát khao vơi đầy trong bàn tay sóng lượn thật gợi tình, thật gợi những ý nghĩ phồn thực (Bàn tay sóng lượn vơi đầy khát khao). Có khi, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Việt bắt người đọc vui buồn với một cánh cò cô đơn kẻ bóng lên dáng chiều Cát Văn, hay một cảm nhận kì lạ: cánh cò bơi trắng dòng sông. Kì lạ vì xưa nay ta chỉ nghe cò bay lả bay la, cò đậu cành mềm, cánh cò phân vân, nhưng cò bơi thì thật là trái khoáy. Nhưng trong cái trái khoáy kia là cái hợp lý tuyệt đối của tâm tình. Trong bài thơ Viết trước lăng tẩm triều Nguyễn ở Huế từ một vết xước trên mặt tượng đá lạnh lẽo mà Nguyễn Đăng Việt buộc được cuộc đời nhận ra những triết lý.
Thơ Nguyễn Đăng Việt đẹp ở sự trưng bày màu sắc, và đẹp hơn bởi cách phối màu. Không chỉ là thứ màu sắc thiên nhiên dâng sẵn. Nhiều cung bậc của cuộc đời, của suy nghiệm được anh sắc màu hóa, và vì thế, thơ anh có vẻ đẹp hiện đại. Câu thơ “Phấn son, vàng lẫn, bạc trôi” là sự hội tụ của sắc nhân sinh, trong đó có cả sự tan rã, sự huỷ hoại đến tê tái của các giá trị; Câu “mà nay lau sậy trắng nhàu cờ tang” là dự cảm, là nỗi ám ảnh về cái chết trắng. Sắc màu trong thơ Nguyễn Đăng Việt, có khi được lạ hóa bởi cái cách anh cảm nhận nó: kiểu “sờ vào khoảnh khắc trắng phau”,v.v…
Nguyễn Đăng Việt, rõ ràng có nhiều thành công với thơ lục bát. Hiển nhiên bởi vì khi tìm đến với lục bát anh đã dự sẵn cho mình một tư thế để chiếm lĩnh thần cốt của nó về mặt thể loại. Bài thơ Lục bát vần chờ nên được hiểu như một tuyên ngôn của anh về lục bát kho trời và của chính riêng anh. Vì Nguyễn Đăng Việt hiểu một cách thấu đáo cái hay, cũng như cái khó của lục bát:
Trời thì xanh sáu tầng cao
Đất thì tám bậc hư hao mỏng dày.

Lục gieo vận, bát bắt bài
Mơ hồ tâm sự một vài thiện tâm.

Sương vun gốc, khát khao mầm
Lưỡi rìu mưa gió róc dần thịt da.

Thương bao câu bát vỡ òa
Giống gieo vội, hạt léo nhòa tháng ba.
Những câu thơ, bên cạnh cái nhìn khổ đau về một thế giới vốn đầy những khát khao hòa hợp và những bi kịch đổ vỡ, còn là sự thức nhận của tác giả về cái “khó nhằn” trong cuộc chơi lục bát. Dường như ý thức thể loại luôn thường trực trong mỗi cố gắng gieo vần của anh. Cái ý niệm “lục gieo vận, bát bắt bài” được Nguyễn Đăng Việt thực hiện một cách ráo riết trong tập thơ. Trong 52 bài của tập thơ lục bát xuất bản năm 2004 thì đến 39 bài thơ mà mỗi khổ là một cặp lục bát, số còn lại, ngoài một bài ngắt nhịp đôi xuống dòng, tạo thành cột đứng, một bài viết liền mạch cho từng dòng, còn nữa là từng khổ 2 cặp. Trong 39 bài vừa nói, mỗi cặp đứng thành một khổ, rõ ràng, độc lập theo hình thức căn bản của lục bát, mà giữa các cặp vẫn có sự liên kết chặt chẽ, làm nên những chỉnh thể toàn bích. Bám sát thể loại, nhưng không lệ thuộc thể loại, khi cần, trên cơ sở thể loại, Nguyễn Đăng Việt vẫn có những phá cách táo bạo nhằm diễn đạt một cách ráo riết nhất những thông điệp gửi đến cho người đọc. Bài Tự khúc sông, ở câu lục “Triều dâng sông như ngừng trôi” (tất cả là thanh bằng). Bài: Qua đèo ngang nhớ Bà huyện, ở câu lục “Bảy sắc nước, bảy sắc mây (tất cả đều thanh trắc chỉ 1 thanh bằng), và bài Bóng vắng đường dài được viết như sau:
BÓNG VẮNG
ĐƯỜNG DÀI
Lêu khêu
Bóng vắng
Đường dài
Nẻo đời
Gió cát
Biết ai
Cậy nhờ
Cũng là
Cái búp
Non tơ
Cội cành đâu?
Để
Hững hờ…
Lá rơi!
Có lẽ là viết về một thân phận đơn độc, nhưng là thân phận bé nhỏ, một đứa bé hay một mầm khát vọng (cái búp non tơ), Nguyễn Đăng Việt dồn bài thơ vào một cột đứng. Cái cột ấy thể hiện nỗi cô đơn, chơ vơ của thân phận và hai phía của văn bản là khoảng trắng. Có lẽ cái khoảng không một dấu mực này lại nói được nhiều điều hơn cả những gì phần chữ đã nói: mênh mông, trắng, lạnh, hù doạ, xô đẩy… Cái khoảng trắng ấy không chỉ o ép cái cột thân phận, mà nếu hình dung phần có chữ là con đường, thì cũng chính khoảng trắng ấy ép cho con đường nhỏ thắt lại, dài ra, bơ vơ thêm…
Thơ lục bát Nguyễn Đăng Việt đằm thắm về nội dung, khá mượt về hình thức, nhưng không vì thế mà không có cá tính. Với giọng điệu riêng, khó lẫn lộn, cả tập lục bát của anh tạo ra những ám ảnh lạ, với một số bài hay trong toàn tập, những câu hay trong mỗi bài và rõ ràng tác giả đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, đây đó vẫn gặp những hạt sạn, chủ yếu là ở cách lựa chọn từ ngữ, đôi chỗ từ dùng chưa tinh lọc, và nếu tỉnh táo chỉ thay một vài chữ là có thể xoay chuyển tinh thần câu thơ. Ví dụ: “Lục bát vần chờ” ở câu “Mơ hồ tâm sự một vài thiện tâm, chữ “tâm” lặp, tuy có thể ý tác giả nhấn mạnh “tâm”. Giả dụ, thay “tâm sự” bằng chữ khác: “gom nhặt” chẳng hạn, câu thơ sẽ rõ ràng, gọn ý trong sự “gieo vận” “bắt bài” mà không lặp. Tuy nhiên, những lỗi như thế (nếu đúng) không ảnh hưởng nhiều đến giá trị thơ anh.
Vinh ngày thơ Việt Nam
12/2/2008