Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

HUYỀN THOẠI HÓA - MỘT PHƯƠNG THỨC KHÁI QUÁT HIỆN THỰC CỦA FRANZ KAFKA


            1. Huyền thoại được xác định trong thuật ngữ phương Tây bằng từ gốc là Myth (trong cổ ngữ Hi Lạp là Muthos, tiếng Pháp: Mythe, tiếng Anh: Myth), với cách hiểu là câu chuyện về các vị thần, các cá nhân siêu việt, các anh hùng chiến trận và gắn liền với khuynh hướng ngợi ca. Ở Việt Nam, khái niệm "huyền thoại" vốn gắn liền với khái niệm "thần thoại", tức là những câu chuyện có tính chất thần kì (thần: thần kì; thoại: chuyện kể, câu chuyện). Từ điển văn học định nghĩa huyền thoại là "thể loại truyện ra đời sớm nhất trong lịch sử truyện kể dân gian các dân tộc. Đó là toàn bộ những truyện hoang đường tưởng tượng về các vị thần và những con người, những loài vật mang tính chất thần kì, siêu nhiên do con người thời nguyên thuỷ sáng tạo ra để phản ánh, lí giải các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội theo quan niệm "vạn vật có linh hồn" (hay thế giới quan thần linh) của họ."(1) Cách hiểu tương tự cũng được thể hiện trong Từ điển tiếng Việt, khi các nhà biên soạn khẳng định câu chuyện huyền thoại là "kì lạ, hoàn toàn do trí tưởng tượng".(2) Lại Nguyên Ân trong sách 150 thuật ngữ văn học có cách định nghĩa rộng rãi hơn khi cho rằng huyền thoại tồn tại "với tính cách là ý thức nguyên hợp của xã hội cổ đại" (3) và nó "không chỉ là thi ca, là sự hiểu biết (hoặc hiểu lầm) về thế giới tự nhiên và xã hội mà còn là nghi thức, nghi lễ sùng bái, thể hiện sự khuất phục của con người trước các sức mạnh khó hiểu, đầy tai hoạ của tự nhiên và xã hội"(4), Như vậy, về cơ bản, khái niệm huyền thoại theo nghĩa gốc nhằm chỉ một thể loại văn học, những câu chuyện gắn liền với tư duy nguyên hợp và quan niệm vạn vật hữu linh của người cổ đại, thể hiện những nhận thức ngây thơ của họ về các quy luật của tự nhiên và xã hội.