Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

ĐA DẠNG HOÁ CÁC PHƯƠNG THỨC KHÁI QUÁT HIỆN THỰC - MỘT BIỂU HIỆN ĐỔI MỚI TƯ DUY TỰ SỰ CỦA VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU 1975 (qua tiểu thuyết và truyện ngắn)


Ý thức và tư duy tự sự, thực ra đã có mặt trong đời sống nói chung và trong văn học nói riêng của người Việt, mà biểu hiện sớm nhất trong văn học có lẽ là những câu chuyện thần thoại, vừa như là một thể loại văn học, vừa phản ánh một mô thức tư duy, quan niệm về thế giới. Điều đó có nghĩa là cho đến ngày nay, tự sự đã tồn tại một thời gian tương đối dài trong đời sống dân tộc. Tuy nhiên, độ dài của thời gian ở đây không đồng nghĩa với sự phát triển về chất của tư duy tự sự.
            1. Hình như, ngoại trừ những năm tháng sôi động của giai đoạn nửa đầu của thế kỉ XX, tính đến trước những năm 1975, thậm chí là 1986, văn học Việt Nam thực sự ít có dấu hiệu của những cuộc tìm kiếm những con đường mới để chứng minh cho những khát vọng đổi mới văn học, trong đó có cả đổi mới tư duy tự sự. Hẳn nhiên, ở đây không thể phủ nhận những biến động lớn lao trong tư duy tự sự bằng cú nhảy của Truyện Kiều như một đỉnh cao, vượt lên các tác phẩm khác trước đó và cùng thời ở một số phương diện, nhưng về cơ bản vẫn nằm trong phạm trù văn học trung đại với một mô thức chung, mà biểu hiện dễ nhận ra nhất là motyf cốt truyện. Trong giai đoạn sôi động đầu thế kỉ XX, đã có những biểu hiện ráo riết đòi đổi mới tự sự, nhưng những khát vọng ấy đã phải tạm gác lại để văn học thực hiện nghĩa vụ cao cả hơn: Độc lập Dân tộc và tự do của con người. Có thể chăng, trong giai đoạn này, Nam Cao vẫn là nhà văn thu được nhiều thành công nhất về mặt này, nếu xem xét một cách toàn diện và tỉ mỉ những biểu hiện nghệ thuật trong tiểu thuyết và truyện ngắn của ông.(1)

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

VỀ MỘT SỰ GIẢ DANH TRONG VĂN HỌC


Khi viết bài này, lời đầu tiên tôi muốn gửi lời tạ lỗi chân thành đến những nhà văn chân chính trong xã hội mà rất nhiều thang bậc giá trị bị đảo lộn, và cái đẹp đang chịu một số phận mong manh trong mớ hỗn độn và u ám của những thật giả vô phương phân định, giả dụ những điều tôi nói sẽ khiến một số người thấy rằng mình đang bị xúc phạm oan uổng. Thực ra, với một số nhà văn tài năng, lương tâm và trách nhiệm, họ đương nhiên được đặt ở một vị trí trang trọng trong suy tư của người viết.
Theo hình dung của nhiều người, nhà văn, bản thân anh ta đã là một giá trị, bởi anh mang đến cho đời sống những giá trị mà không phải bất cứ người bình thường nào cũng mang đến được. Trên thực tế của nền văn chương nhân loại, trong đó có Việt Nam, ta thấy quả có điều đó thật.
Những nhà văn trước đây mà tôi được học, được đọc, phần lớn luôn để lại cho tôi một sự ngưỡng mộ thành kính, bởi họ đã có những trang viết khiến tâm hồn người đối diện với họ được thanh lọc bởi sự xấu hổ, bởi sự căm phẫn và lòng thương yêu họ thể hiện trong tác phẩm của mình, và người đọc phải thẹn thùng bởi nhận ra những yếu kém của bản thân, nhận ra sự quẩn quanh, phù phiếm và vô giá trị của cuộc sống nhẹ bồng, vô năng và thiếu khát vọng. Những Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương Cervantes, Shekpeare, Tolstoy, Dostoevsky, Camus, Marquez… là những người như vậy.

RỪNG MẶN



                                                              
Vượt một quãng dài đường ngoằn ngoèo uốn khúc, cuối cùng cũng đến được cánh rừng lâu nay được nghe mà chưa thấy. Hơn 1000 héc ta rừng nằm lắng những gió dữ gió lành. Những con đường được khai mở dần từ ngày người trồng rừng đặt chân đến Đông Hồi, nhẫn nại bò đi. Người đàn ông cao gầy, tóc điểm bạc, nước da ngăm đen, vầng trán lằn từng dấu gió, dấu nắng, dừng xe, đưa chúng tôi vào một khu đất rộng 450ha, mênh mông. Những cây lim nhỏ, run rẩy trước ánh nắng bắt đầu gay gắt. Dường như giống cây này quý ngay từ khả năng chịu đựng và tươi tốt, một vùng thẫm mướt, non tơ, xanh lấp lánh trong mênh mông những sim, mua, và cỏ. Sửa lại một dáng cây, không ngước lên, người đàn ông nói với chúng tôi về viễn cảnh như đang trước mắt: 70 năm nữa, những cây lim bé nhỏ hôm nay sẽ cho doanh thu năm nghìn tỉ. Tôi nhẩm tính: ông ngoài sáu mươi, lao động như vậy, nếu sống hết cái vòng đời chật hẹp một trăm năm vẫn còn thiếu ba bốn mươi năm nữa? Trên gương mặt cương nghị ánh lên nghị lực của đợi chờ, của niềm tin.