Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

VỀ MỘT SỰ GIẢ DANH TRONG VĂN HỌC


Khi viết bài này, lời đầu tiên tôi muốn gửi lời tạ lỗi chân thành đến những nhà văn chân chính trong xã hội mà rất nhiều thang bậc giá trị bị đảo lộn, và cái đẹp đang chịu một số phận mong manh trong mớ hỗn độn và u ám của những thật giả vô phương phân định, giả dụ những điều tôi nói sẽ khiến một số người thấy rằng mình đang bị xúc phạm oan uổng. Thực ra, với một số nhà văn tài năng, lương tâm và trách nhiệm, họ đương nhiên được đặt ở một vị trí trang trọng trong suy tư của người viết.
Theo hình dung của nhiều người, nhà văn, bản thân anh ta đã là một giá trị, bởi anh mang đến cho đời sống những giá trị mà không phải bất cứ người bình thường nào cũng mang đến được. Trên thực tế của nền văn chương nhân loại, trong đó có Việt Nam, ta thấy quả có điều đó thật.
Những nhà văn trước đây mà tôi được học, được đọc, phần lớn luôn để lại cho tôi một sự ngưỡng mộ thành kính, bởi họ đã có những trang viết khiến tâm hồn người đối diện với họ được thanh lọc bởi sự xấu hổ, bởi sự căm phẫn và lòng thương yêu họ thể hiện trong tác phẩm của mình, và người đọc phải thẹn thùng bởi nhận ra những yếu kém của bản thân, nhận ra sự quẩn quanh, phù phiếm và vô giá trị của cuộc sống nhẹ bồng, vô năng và thiếu khát vọng. Những Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương Cervantes, Shekpeare, Tolstoy, Dostoevsky, Camus, Marquez… là những người như vậy.
Trong nền văn chương Việt Nam hiện đại, những Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Tản Đà, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận… đã được vinh danh bởi họ đã sống và viết trong cay đắng và tủi nhục, nhưng lại mang đến cho người đọc, không chỉ một thời đại, mà nhiều thời đại tiếng nói có giá trị. Đương thời và hậu thế đọc họ và lắng nghe họ, không phải bằng một con chữ được dùng một cách kì khu, hay một câu văn uốn éo, mà đang đọc chính tình cảm, tâm hồn của họ. Họ dám viết về những bất bình của cuộc đời, họ viết vì những con người đang ngập chìm trong bóng tối của số phận. Họ viết để đòi lại cho con người những quyền cơ bản đã bị tước đoạt. Thật lớn lao và đẹp đẽ, những nhà văn ấy, dù những nhân vật của họ đôi khi chỉ là một người đàn bà bị cưỡng hiếp, một tên ma cà bông, một tên móc túi, một kẻ bất lực và tha hóa…
Hoặc trong những cuộc chiến tranh, trên tinh thần cách mạng có điểm xuất phát sâu xa là lòng tự trọng dân tộc, rất nhiều nhà văn đã hi sinh những gì thuộc về mình, để đi cùng dân tộc, nói tiếng nói của dân tộc, của nhân dân để làm nên một kì tích là có một thời, các nhà văn Việt Nam đã đứng về một phía, để làm nên một đội ngũ hùng hậu, cùng ý chí, nguyện vọng và tâm huyết. Cho dù có thể họ đã viết trong sự nhận thức sâu sắc rằng, hậu thế sẽ đánh giá cao họ vì nhiệt thành yêu nước, mà chưa hẳn sự nghiệp văn chương.
Nghĩa là họ đã phải gác lại tư cách nhà văn để thực hiện những nghĩa vụ mà bất cứ một công dân biết tự trọng nào cũng hiểu là mình phải có. Và đấy là điều khiến lịch sử không thể quên tên tuổi họ. Khi những nhiệm vụ trọng đại đã hoàn thành, trở về với đời sống mà văn học nghệ thuật có thể thanh thản để thực hiện thiên chức của mình với tư cách trọn vẹn, thì những nhà văn tài năng và tỉnh táo đã sớm đưa văn học trở về đúng vị trí của nó bằng những sáng tác mang tính khải mông, để tạo những mầm chồi cho một sự đổi mới của văn chương, Nguyễn Minh Châu chẳng hạn, chỉ trong mấy năm hiếm hoi còn lại của số phận, sau 1986, đã để lại những tác phẩm mà người đọc sẽ còn găm sâu trong kí ức, và danh hiệu “người mở đường tinh anh” chắc chắn không khiến ông phải xấu hổ. Sau đó, là nhiều nhà văn khác…
Và theo tôi biết, phần lớn những nhà văn đó lại có một đời sống âm thầm và khiêm tốn, dẫu tên tuổi của họ, tài năng của họ cho phép họ phớt lờ tất cả bởi họ thuộc một đẳng cấp khác, mà theo cách nói của Hàn Mặc Tử, đấy là một “loài” khác. Có điều, nếu vậy, họ đã không lắng nghe được hơi thở của mỗi con người mà làm nên những kì tích họ đã từng làm được. Họ luôn ý thức được một cách đúng đắn và đầy lương tâm rằng hơn tất cả mọi cá nhân trong xã hội, nhà văn là người có trọng trách lớn lao trước cuộc đời, văn chương có nhiệm vụ giúp con người nhận thức được những gì thuộc về chính con người và qua đó bồi dưỡng, vun đắp tâm hồn của họ. Cái ý của Balzac rằng nhà văn là thư kí trung thành của thời đại dù ngày nay phải được hiểu khác đi chút ít, nhưng nó là một chân lí. Và nhìn vào rất nhiều các tác phẩm văn học Việt Nam, nhìn vào tư duy và hành động của nhiều nhà văn hiện nay thì chúng ta có quyền nghi ngờ về vai trò “thư kí” của họ.
Bên cạnh việc nhận thức cuộc đời và giáo dục công chúng, thậm chí, để làm được điều đó, nhà văn còn phải là nhà tư tưởng, đôi lúc mang tính chất khai sáng; ở chỗ anh ta phải nỗ lực phát hiện, bằng tư duy cô độc và trầy xước của mình, những điều mà một người bình thường, không thể phát hiện được. Anh ta luôn phải tự nắm tay mình, đi trước thiên hạ, sẵn sàng bước những bước chân rớm máu và cụng đầu vào những vách đá tư tưởng để trở thành kẻ tiên phong trong những cảm nhận về thế giới, hoặc chí ít cũng là trình bày được bằng tư duy hình tượng, bản chất của tồn tại, một trạng thái nhân sinh trong những chiêm nghiệm mang tính khái quát. Vài nhà văn ở ta hiện nay chỉ có khả năng mô tả lại một biểu hiện vụn vặt nào đó của tồn tại nhưng lại dương dương tự đắc rằng đã làm được cái việc gọi là phản ánh hiện thực. Đấy là một nhầm lẫn đáng mỉa mai. Và bằng những việc làm như thế, họ trở thành một khối bất lực mênh mông về tri thức và học vấn, chỉ biết cách lẽo đẽo mua vui cho thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng nhạt nhẽo và thiển cận. Và bằng cách đó, họ không thể nào mảy may tác động đến hiện thực dù hiện thực bao giờ cũng rất cần những tác động từ phía nhà văn.
Tôi không phải là người cứ bắt hôm nay phải giống ngày xưa, (có bao điều, hôm nay theo được gày xưa còn bở hơi tai), nhưng quả thật, mỗi khi cầm cuốn sách lên hay ngồi bên bàn viết, nghĩ đến một số nhà văn của ta hôm nay, tôi không thể không nghĩ đến những nhà văn trong quá khứ, bởi chính những nhà văn đã khuất (hoặc số ít nhà văn đang còn sống và viết) thật đáng để chúng ta ngưỡng mộ.
Với một nhà văn, cái gì sẽ được người đọc đón nhận, tôn vinh và cái gì sẽ khiến tên tuổi anh ta được hậu thế nhắc đến sau khi anh ta chết? Đấy là gì nếu không phải là tác phẩm? Mà muốn có tác phẩm, dĩ nhiên cần có tài năng thiên bẩm, và có cả khát vọng mang đến cho nghệ thuật một điều gì đó. Thật khó biết bao, nếu chúng ta đi tìm trên đời này một nhà văn đủ tâm huyết và dũng cảm để ôm ấp khát vọng (dù là viển vông), về một tác phẩm được giải nobel, mà ở đó, “nó vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn, nó ca tụng lòng bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn”(1), như chính Nam Cao đã từng gửi gắm trong nhân vật Hộ, khi cái ý thức tự trọng nghề nghiệp đã khiến ông cảm nhận được thân phận “đời thừa” của chính mình. Có những nhà văn sống quanh tôi, tuyệt đối, tôi biết chắc chắn rằng không bao giờ có cái ý niệm ấy; thậm chí, họ chưa bao giờ có một quan niệm nghiêm túc, dù là nhỏ đến mức chi tiết, về văn chương. Tôi nhìn thấy quanh nơi tôi sống, một số người sử dụng danh hiệu nhà văn như một trang sức lòe loẹt hay một mặt nạ ngoáo ộp để lừa mị hoặc hù dọa kẻ khác trong niềm kiêu hãnh trẻ nít và sự ngộ nhận đến tội nghiệp. Tôi cũng nhìn thấy quanh tôi một số kẻ được gọi là nhà văn, cho phép họ đứng trên tất cả đồng loại, trong những quần áo tóc tai dị hợm, trong những kiểu ứng xử văng mạng, trong lối sống suy đồi và khi cần họ lấy danh nghĩa nhà văn để bao biện; trong khi cần quan niệm sáng tạo nghệ thuật như là một hành động giản dị nhất, trong khi chân lí nghệ thuật vốn đã không cho phép nhà văn tự tách mình ra khỏi “sự sống khiêm nhường và phổ quát”. Làm sao có thể có một tác phẩm văn học chân chính khi anh không chịu đứng chung với quần chúng lao khổ, “mở hồn ra mà đón lấy những vang động của đời” (2), bởi “văn chương bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa đấy là chí thánh” (3)?
Thực tế là đang có không ít kẻ đeo mặt nạ, hay nói giản dị hơn là mạo danh trong giới văn chương ở ta. Đấy là những người bằng cách nào đó len vào được trong hội nhà văn, trong một phút sơ suất, ngộ nhận của những người bình xét, hoặc một lí do nào đó mơ hồ và viển vông. Trong số đó có những kẻ luôn luôn có một niềm kiêu hãnh ngây thơ về danh hiệu hội viên Hội nhà văn Việt Nam, nhưng từ khi vào hội, tên tuổi của họ chỉ xuất hiện trên tờ báo Văn nghệ, vốn làm nhiệm vụ quảng bá tác phẩm của hội viên, khi đưa tin về cái chết của đồng nghiệp. Là một công chức làm công ăn lương ở một Hội văn nghệ địa phương, nhiệm vụ của họ là đến ngồi chẳng để làm gì, chỉ chăm chăm bày đủ trò kéo bè kết cánh làm loạn tổ chức.
Cổ nhân nói rằng, trên đường đi mỗi ngày chúng ta gặp chỉ có hai loại người: một loại người cầu danh và một loại người cầu lợi. Không ai trách những kẻ cầu danh, những kẻ cầu lợi nếu chúng ta coi điều vừa nói trên đây như một chân lí vốn được kiểm định bằng sự sàng lọc nghiệt ngã của năm tháng. Nhưng điều không dễ chịu chút nào là trong cái thế giới danh lợi bây giờ, nhà văn chúng ta cũng chẳng chịu thua kém ai. Trong những trang hồi kí kể về những năm tháng có phần đen tối và chua chát của Bùi Ngọc Tấn, chúng ta đã từng được biết một số nhà văn đã phải đi viết thuê để quảng bá cho hình ảnh một đơn vị, nhằm trốn khỏi cái vạ chết đói đang hiển hiện nhãn tiền. Đấy là những người rất cần được thông cảm bởi họ vốn sinh ra gặp phải cái thời khốn khó, và vì vướng vào tai nạn này kia mà phải nhọc lòng muối mặt để làm cái việc lấy ngắn nuôi dài. Theo tôi biết, phần lớn các nhà văn hiện nay, nhất là nhà văn - công chức, đều có một cuộc sống khá ổn về vật chất, nếu không nói là no đủ. Vậy nhưng vẫn có nhà văn nọ lẽo đẽo ôm cặp táp theo chân một ông chủ để viết hẳn một cuốn tiểu thuyết nhằm trục lợi bằng những lời ca tụng rẻ tiền. Đối với đồng nghiệp, những người không cho được họ gì, thậm chí là kẻ, theo họ, là ngáng đường bởi một tội lỗi là vượt trội về tài năng và nhân cách, họ tìm mọi cách để hãm hại mà thỏa lòng đố kị. Họ sẵn sàng nói xấu, sử dụng đủ phương thức để “dìm hàng” đồng nghiệp, thậm chí xúi bẩy những kẻ ngây thơ hoặc cả tin bày trò kiện cáo người này người kia để tranh cướp vị trí trong một cuộc bầu bán, hạ bệ người ta khỏi cái ghế mà mình thèm muốn, mặc lòng cơ quan vốn đã ưu ái thu xếp cho một chỗ để hưởng lương lẽ ra không có trong biên chế. Tôi cũng đã chứng kiến một vài nhà văn sẵn sàng muối mặt, bán rẻ danh dự để có một chuyến du hí với tình nhân (kiểu tình nhân mấy ngày, chẳng phải là tình cảm cao thượng gì), để không nhận thức thêm được điều gì bởi người ấy chỉ giắt lưng một vốn văn hóa và tư duy thấp kém, mà chỉ để tự hào, lên mặt với những người chung quanh; khi rỗi rãi lại tung lên mạng xã hội những bài viết còn nhan nhản lỗi ngữ pháp nhằm công kích một đồng nghiệp nào đó, vì lòng đố kị và nỗi bất lực trước cây bút. Thế nhưng khi cần thì họ sẵn sàng làm tất cả mọi động tác với hội viên để mua thêm cho mình một lá phiếu. Và với trò khỉ ấy, người không tinh tế lắm cũng nhận ra ở họ lối hành xử của một con buôn lọc lõi. Tôi cũng đã chứng kiến một vài nhà văn từng hùng hồn tuyên bố chỗ này chỗ kia rằng sẽ khước từ giải thưởng này, giải thưởng nọ để bày tỏ lòng bi phẫn trong tư cách của một kẻ liêm chính và tự trọng, nhưng đến ngày trao giải thì cun cút lên giật vội tấm bằng và tiền thưởng để cun cút ra về ngay trong một điệu bộ đến thê thảm.
Nói như Nguyễn Huy Thiệp, văn học đương đại là một sân chơi ngày càng chuyên nghiệp và nghiệt ngã(4). Cuộc chơi ấy không chấp nhận kẻ thụ động, ít học và thiếu nhạy cảm. Để tồn tại và vượt lên trong cuộc chơi ấy, nhà văn (và những ai còn muốn ghi danh vào hội nhà văn trong tinh thần không cảm thấy xấu hổ) cần phải suy nghĩ nhiều hơn. Cần phải thức tỉnh một điều, chỗ mà các anh chơi hôm nay không còn là sân chơi của mấy chục năm trước, nơi mà các nhà văn cứ viết ra một điều gì đó để minh họa cho một chủ trương, một nhiệm vụ và sống một cách dựa dẫm vào đồng lương nhà nước và khoản nhuận bút ưu đãi như một món hời. Trong sân chơi của ngày hôm nay, nhà nước có thể vẫn trả lương cho anh, nhưng đấy là những đồng lương trích ra từ nguồn thuế của nhân dân để trả cho sự lao động của anh trong vai trò một công chức, viên chức - dù là công chức công tác ở một cơ quan văn nghệ. Không phải anh có danh hiệu nhà văn, làm công chức ở đấy thì anh hiển nhiên tồn tại với tư cách nhà văn. Tư cách nhà văn của anh cũng không được thừa nhận bằng những tuyên ngôn rỗng tuếch hay bằng những đau thương giả vờ, càng không được thừa nhận từ những trò đấu đá, hạ bệ hay làm tiền một cách vô sỉ trong một vốn tri thức nông cạn. Tư cách nhà văn của anh chỉ có thể được thẩm định bằng những suy tư có tính chất khai sáng hoặc sự đồng cảm đối với con người trong ý nghĩa phổ quát nhất, bằng sự sẻ chia thống thiết trước những bấp bênh của số phận con người - những số phận đang tắm trong máu me của chiến tranh, rên xiết ở các trại tị nạn; những con người bị chết đói bởi đồng lương rẻ rúng hoặc nạn nhân của bạo hành; những con người đang bế tắc trong những rào chắn hay cạm bẫy.
                                                                    Vinh, cuối Nhâm thìn, đầu 2013
                                            
(1)  Nam Cao, Đời thừa
(2)  Nam Cao, Trăng sáng
(3)  Nguyễn Huy Thiệp, Giọt máu
(4)  Nguyễn Huy Thiệp, Trò chuyện với Hoa Thủy Tiên về sự nhầm lẫn của nhà văn