Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

ĐẶNG HỒNG THIỆP - GIÓ THƠ MUÔN LỐI


(Nhân đọc Gió cuốn, Nxb Văn học, H.2008)

Đặng Hồng Thiệp đến với làng thơ khá muộn, và trên mảnh đất nổi tiếng giàu truyền thống văn chương nghệ thuật, dĩ nhiên, trong đó có thơ. Không dễ gì mọc mũi sủi tăm ở một xứ thơ mà không ít người cho là “ra ngõ gặp anh hùng”, Đặng Hồng Thiệp đã tỏ ra “biết thân biết phận”, biết thể hiện khát khao khẳng định khi kiên nhẫn tìm cho mình một lối đi riêng. Chấp nhận khai mở một lối đi cho mình, nghĩa là đã tự đặt cược cả tương lai: được ăn cả, ngã về không. Trong cuộc chơi này, xem ra Đặng Hồng Thiệp đã có thành quả bởi tự quyết định được sinh mệnh thơ của chính mình, hoặc đại loại như thế. Sau hai tập đầu Ngoại ôThao thức miền quê, đến tập thứ ba, Hiện về, thơ Nghệ đã được chứng kiến một Đặng Hồng Thiệp mới mẻ, dễ chịu - một bút pháp tài hoa, một tư duy trữ tình phóng túng, thường nặng những lật trở với nỗi đời - vì thế, có cái khác lạ trong hệ bút pháp u buồn, mặn mòi và có phần gân guốc của mảnh đất khắc nghiệt với gió và cát. Tập thơ thứ mười ba của ông, Gió cuốn, gồm 44 bài, bài đầu tiên được viết từ năm 1961, nghĩa là trong 47 năm, là số ít được tuyển chọn, sắp xếp làm sao cho hệ thống, trong thi cảm của ông, vào tập. Đấy là cái lí đầu tiên để nhận ra ý thức vươn đến sự chuyên nghiệp của một người làm thơ, tức là một người ôm khát vọng vượt ra ngoài những giới hạn chật chội và tù mù của kiếp nhân sinh vạ vật. Tên tập thơ cũng thể hiện rất rõ điều này. Tôi nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Đề làm gì em có biết không/ Để gió cuốn đi”. Con người là thế, luôn luôn tiềm ẩn một giấc mơ phiêu du (không phải ngẫu nhiên mà trong thơ Đặng Hồng Thiệp, hai chữ “phiêu diêu” vẫn thường được sử dụng và tạo ấn tượng về một giấc mơ thanh thoát), hay một thái độ chấp nhận thả mình trong lốc xoáy của thế sự, để cảm nhận sâu hơn về nó, hoặc chí ít cũng là theo cơn gió để quên đi kiếp phận (chẳng phải đầu thế kỷ XX, M.Proust đi tìm thời gian đã mất, còn F.Kafka thì tìm đến giấc mơ biến dạng để tỏ thái độ phản ứng với kiếp sống bị hành chính hóa, máy móc hóa, đồ vật hóa đó thôi?)