Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

BÀI THƠ ĂN CỖ ĐẦU NGƯỜI, NIỀM CẢM KHÁI MÃNH LIỆT CỦA MỘT SỨ THẦN - TRÁNG SĨ


                                                                                                            

Về chuyến đi sứ đặc biệt của Nguyễn Biểu, sách Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam chép: “Năm 1413, niên hiệu Trùng Quang thứ năm, tướng Minh là Trương Phụ đánh vào Nghệ An, vua Trùng Quang lui vào Hóa Châu, sai ông đến trại của Phụ để điều đình. Để thử tinh thần ông, Phụ có thết cỗ đầu người. Nguyễn Biểu không hề run sợ, đàng hoàng ngồi ăn và nói: “người Nam ta mà được ăn đầu người Bắc a?” rồi làm một bài thơ về việc này. Sau đó, Phụ giữ ông lại. Ông giận mắng rằng: “Trong thì mưu kế đánh lấy nước người, ngoài thì phô trương là quân nhân nghĩa. Trước nói lập con cháu nhà Trần(1), nay lại chia đất làm quận huyện; không những cướp bóc của cải, lại còn tàn sát lương dân, thật là quân ngược tặc”. Phụ rất tức giận, sai trói ông vào chân cầu Lam để nước dâng lên dìm chết ông”(2).
Về bài thơ Ăn cỗ đầu người, hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam chú: “…cần lưu ý hai bài thơ này được Hoàng Xuân Hãn tìm thấy trong gia phả họ Hoàng - họ ngoại của Nguyễn Biểu ở Nghệ An, ghi chép từ thế kỉ XVI, nên về xuất xứ và văn bản còn phải tồn nghi. Dầu sao thì đây cũng là những vần thơ chất ngất tráng khí của một sứ thần yêu nước.(3) Như vậy, tồn nghi ở đây chỉ là về xuất xứ cụ thể chứ không phải là về tác giả. Và bất chấp hoàn cảnh ra đời như thế nào, bài thơ cũng thể hiện khí cốt của một vị sứ thần trong bước đường cùng của bản thân và thế nước. Nguyên văn tác phẩm như sau:
Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cỗ đầu người
Nem công chả phượng còn thua béo
Thịt gấu gân lân hẳn kém tươi
Ca lối Lộc minh so cũng một
Vật bày Thỏ thủ bội hơn mười
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời
  (In trong Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam
(thế kỉ X-XIX), tập một, tr.299)
Bài thơ được làm bằng chữ Nôm, theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Việc Nguyễn Biểu sử dụng chữ Nôm để làm bài thơ này có lẽ không chỉ bởi đây là thời kì thơ Nôm bắt đầu phổ biến trong văn học trung đại Việt Nam, mà còn là một cách để thể hiện tinh thần tự trọng dân tộc. (sự ra đời của chữ Nôm và thơ Nôm trong lịch sử văn hóa – văn học Việt Nam vốn nằm trong tinh thần tự trọng dân tộc, trong nỗ lực tìm một phương thức, một cách thế nhằm thể hiện một cách chân thực, sinh động lí tưởng thẩm mĩ của người Việt trong tinh thần chống Hán hóa sâu sắc). Có thể điều này là có thật bởi Nguyễn Biểu không phải là hạng nho sĩ, sứ thần tầm thường, mà bởi ông là một vị đại khoa (ông đỗ Thái học sinh đời Trần), và lại là trọng thần của nhà Hậu Trần (làm đến Điện tiền thị Ngự sử). Vả lại, Nguyễn Biểu đi sứ và làm thơ trong một điều kiện hết sức đặc biệt: “vương triều” mà ông phụng sự đang thất thế, đang ở “kèo dưới”. Thực tế mục đích quan trọng nhất của chuyến đi sứ chắc chắn là nhằm tìm một lối thoát cho tình thế bất lợi trước mắt. Vậy nên, việc nhún mình ở mức độ nào đó hẳn cũng có thể chấp nhận được. Thậm chí, đây còn là điều kiện hết sức quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho cuộc thương thuyết nếu được tiến hành. Tuy nhiên, Nguyễn Biểu đã lựa chọn làm ngọc nát, quyết không phải là ngói lành.
Cuộc thương thuyết đã không diễn ra hoặc diễn ra không theo ý muốn của Nguyễn Biểu và kết cục thì như chúng ta đã biết. Điều quan trọng là hậu thế có quyền tự hào về một sứ thần không làm nhục mệnh vua. Và bài thơ ứng tác của ông, đúng như nhận định của nhóm biên soạn Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (thế kỉ X – XIX) tập một, “đây là những vần thơ chất ngất tráng khí của một sứ thần yêu nước”.
Hai câu đề, tác giả tả mâm cỗ:
Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cỗ đầu người
“Ngọc thiện” ở đây là tiệc ngọc; trân tu: món ăn quý. Ngọc thiện trân tu: tiệc ngọc và món ăn quý. Gia hào: thức nhắm ngon. Ý cả hai câu là: tiệc ngọc đã có đủ món ăn quý, lại thêm món nhắm ngon có đầu người. Rõ ràng hai câu thơ cho thấy thái độ quả cảm, tráng khí hùng tâm của Nguyễn Biểu: cỗ đầu người là một cách tiếp đãi sứ thần hết sức man rợ, người “được đãi” là bậc đại nho chắc hẳn không thể nào chấp nhận được cảnh huống này. Tuy nhiên, vượt qua những kinh tởm, sợ hãi và chắc chắn là cả lòng căm thù, hai câu thơ đã thể hiện một tinh thần rất mực ung dung. Ý câu thơ thứ hai bao hàm một thái độ khiêu khích, một cái cười đắc ý vào mặt Trương Phụ, thậm chí có thể đủ sức uy hiếp kẻ đang lăm le uy hiếp. Đây là đòn xoay đầu tiên chuyển bại thành thắng.
Hai câu luận, tác giả miêu tả vị ngon của thức nhắm “đặc biệt”:
Nem công chả phượng còn thua béo
Thịt gấu gân lân hẳn kém tươi
Nem công, chả phượng, thịt gấu, gân lân là cách gọi ước lệ về những món ăn hiếm lạ, thì đầu người cũng là một “món” lạ, và đặc biệt là đang bày ra trước mắt. Chắc chắn Nguyễn Biểu không hề thấy được, cảm được cái vẻ tươi, béo của món ăn này, bởi ông đã rất ghê tởm và căm thù bè lũ Trương Phụ và ngón đòn tàn độc của chúng, và cũng đau khổ bởi chiếc đầu người trên mâm hẳn là của một đồng bào bất hạnh trong muôn vạn đồng bào bất hạnh của ông. So sánh đầu người với nem công chả phượng, thịt gấu gân lân là cách sang hóa và thi vị hóa, khiến người trong cuộc có thể vượt qua được những thử thách tâm lí để đối diện với thực tế nghiệt ngã, tàn khốc mà mình đang phải nếm trải. Tâm thế của một người đang phải nếm trải đã chuyển thành tâm thế của một người đang hưởng thụ. Và tác giả bài thơ - vị sứ thần quả cảm - đã có cách để xoay chuyển tình thế, biến mình - một nạn nhân, thành một thực khách, một thi nhân, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Tuy nhiên, đấy là sự chủ động trong u buồn, một “lãng mạn” đau khổ.
Hai câu luận:
Ca lối Lộc minh so cũng một
Vật bày Thỏ thủ bội hơn mười
Câu thơ thứ nhất lấy ý trong Kinh thi: thơ Lộc Minh tả việc vua đãi yến các sứ giả, còn “Thỏ thủ” cũng lấy ý trong Kinh thi, thơ Biểu Diệp: “Hữu thỏ tư thủ” (có đầu thỏ ấy) nói việc đãi yến tân khách. Xin nhắc lại là khi ăn cỗ đầu người, Nguyễn Biểu hẳn đang ở trong một tâm thế đặc biệt, chắc hẳn có cả những đau đớn vì không mang về được những lợi ích cho quân mình, lại phải ăn thịt một người mà có thể ông biết rõ là đồng bào mình, sự phẫn nộ bởi bị “tiếp đãi” một cách man rợ như vậy. Vậy thì việc coi mình là tân khách là điều khó có thể xảy ra trong tình cảm thực. Cũng như thế, Nguyễn Biểu không bao giờ coi việc Trương Phụ “thiết đãi” mình là yến tiệc vua ban, bởi, có tài liệu chép rằng, khi thả ông rồi, Phụ lại bắt trở lại, bắt ông quỳ lạy, ông mắng: “người là bề tôi của hoàng đế phương Bắc, ta là bề tôi của hoàng đế phương Nam, việc gì ta phải quỳ lạy ngươi”. Vậy là không có chuyện tác giả liên tưởng một cách thành thực đến tiệc đãi tân khách hay vua đãi yến bề tôi ở đây. Những liên tưởng trong bài thơ chỉ là cách thế thể hiện thái độ coi thường trò đe dọa của kẻ xâm lược. Cần chú ý là việc trích dẫn điển cố, điển tích hay thi liệu truyền thống trong văn học trung đại phương Đông, trong đó có Việt Nam thực ra là một điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc trích dẫn ấy hoàn toàn không hề bình thường. Những trích dẫn trong văn cảnh đặc biệt thường gây ấn tượng rất mạnh cho người đọc, bởi những thông điệp ngược, những tình cảm thẩm mĩ ngược. Nguyễn Công Trứ trong Hàn nho phong vị phú chẳng hạn, khi viết “Ngày ba bận vỗ bụng rau bịch bịch/ người quân tử ăn chẳng cầu no”(4), liền khắc sâu vào lòng người đọc một nỗi chua xót về cảnh nghèo. Tú Xương trong câu “Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn” ngầm “nhại” ý ca dao(5) cũng mang đến cho trước hết là chính ông, và sau đó là người đọc, một nỗi chua xót về tình trạng bi đát của thực tại. Với việc so sánh bữa tiệc có cỗ đầu người với yến tiệc nhà vua đãi thần tử hay tiệc đãi tân khách, người đọc có thể thấy Nguyễn Biểu đang thả về phía Trương Phụ một nụ cười kín đáo, nhẹ nhàng nhưng ngạo nghễ của người chiến thắng. Tuy nhiên, cùng với hành động đó, tác giả cũng đang cố giấu những giọt nước mắt của đau thương và căm giận.
Khác với sáu câu thơ trên, hai câu cuối mang một tinh thần cảm khái cao độ:
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.
Hai câu thơ nhắc lại chuyện Phàn Khoái thời Hán Sở tranh hùng.(6) Ở đây Nguyễn Biểu, vốn là một nhà nho, đã nhận mình là tráng sĩ. Đấy là một thái độ kiêu hãnh lẫm liệt. Tự nhận mình là Phàn Khoái, Nguyễn Biểu không chỉ nói về việc uống rượu ăn thịt một cách ung dung trong hiểm nguy, mà điều quan trọng là ông nhận thức được vai trò, sứ mệnh của mình: cứu chúa trong lúc nguy nan. Chỉ khác là, Phàn Khoái uy hiếp được kẻ đối nghịch, cứu được chúa và bản thân cũng an toàn ra về, riêng Nguyễn Biểu thì đường về chắc chắn đã bị chặn đứng. Điều này cũng có thể cho thấy tình thế bi kịch của ông, và của thế nước. Thơ ca xưa, thậm chí cả thơ ca thời hiện đại, một khi nhắc đến tráng sĩ, đã đành là nhắc đến hùng tâm tráng chí, nhưng thường vẫn đậm đặc hay mơ mồ mang một tinh thần cảm khái. Đấy là hình ảnh một tráng sĩ ra đi, kiểu Kinh Kha bên sông Dịch, hoặc chí ít là một người đi bên một con sông vô danh nào đó. Bài thơ nhắc đến Phàn Khoái trong chuyện ăn thịt uống rượu, cứu chúa ở Hồng Môn yến, nhưng trong phần cảm khái của nó khiến người ta nghĩ nhiều đến Kinh Kha. Ba chữ “tiếng để đời” chỉ việc Phàn Khoái với việc làm tốt đẹp ấy sẽ được lưu truyền mãi về hậu thế, và chuyến đi sứ ăn cỗ đầu người của ông, cũng có thể sẽ để tiếng ở đời. Nhưng, ở đây, hẳn cùng với sự so sánh hai việc làm với nhau, Nguyễn Biểu còn đủ lí do để nghĩ xa hơn. Cái ý “tiếng để đời” trong câu cuối phải chăng được viết trong quan niệm “hùm chết để da, người chết để tiếng”? Và nếu vậy, ba chữ “tiếng để đời” kết thúc bài thơ sẽ mở ra một dự cảm về số phận đau đớn mà lẫm liệt của chính tác giả. Chính cái dự cảm này tạo ra một dư ba mạnh mẽ về tráng khí, cũng như những đau xót cho số phận của dân tộc và của cá nhân Nguyễn Biểu trong một lát cắt thương tâm của lịch sử.
Bảy trăm năm đã trôi qua. Bảy trăm năm, có nghĩa là bảy thế kỉ. Dòng chữ “thất nguyệt, thập nhất nhật Nguyễn Biểu Tử” như một trối trăng hay một di hận của Nguyễn Biểu đã không còn bởi chiếc cầu Lam ngày ấy cũng đã chìm khuất trong bao lở bồi của lịch sử. Bài thơ ăn cỗ đầu người cùng với cái tên Nguyễn Biểu hẳn có nhiều người biết. Bởi những nhân vật lịch sử có thể đại diện cho tinh thần, khí phách dân tộc thì dân tộc, nhân dân sẽ mãi biết ơn, và bởi Nguyễn Biểu đã góp phần tô thắm những trang oanh liệt, bi tráng trong lịch sử nói chung và lịch sử đối ngoại nói riêng của dân tộc ta, ở thời trung đại.

Chú thích
(1). Nguyễn Biểu chỉ việc nhà Minh khi sang nước ta, đưa Trần Thiêm Bình về, nói là lập con cháu nhà Trần bị nhà Hồ cướp ngôi.
(2),(3). Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (thế kỉ X-XIX), tập một, phần giới thiệu chung về tác phẩm của Nguyễn Biểu, tr.298.
(4). Câu này lấy ý Khổng Tử trong Luận ngữ, thiên “Lí nhân”: “Quân tử thực vô cầu bão” (bậc quân tử ăn không cầu no).
(5). Ca dao: “Đêm nay chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người quân tử có buồn hay không”.
(6). Trong tiệc yến Hồng Môn, Hạng Vũ muốn giết Lưu Bang (Hán Cao Tổ), Phàn Khoái xông vào lấy cớ là có tiệc rượu đến xin rượu uống, rồi trợn mắt uy hiếp Vũ. Vũ phải từ bỏ ý muốn giết Lưu Bang và đem cho rượu thịt; Khoái uống rượu và ăn hết một vai lợn, Vũ khen là tráng sĩ.